Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh. Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để dập tắt bệnh lây lan trước mắt và phòng trừ về lâu dài. Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y tại các địa phương triển khai tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng, chống dịch LMLM đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng thời gian quy định, đủ số mũi tiêm nhằm dập dịch triệt để.
Tính đến ngày 3/9/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 23 thôn thuộc 8 xã, thị trấn của 3 huyện: Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh xảy ra bệnh LMLM với tổng số trâu, bò mắc bệnh 519 con; trong đó, số trâu, bò tiêu hủy 21 con.
Cán bộ thú y cơ sở thực hiện tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa – Ảnh: T.C.L
Với tính chất lây lan rất nhanh của dịch bệnh, trong lúc đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh đã hết thời gian miễn dịch bệnh LMLM do khoảng cách thời gian giữa 2 lần tiêm của loại vắc xin này đến nay là 8 tháng; mầm bệnh tồn tại trong môi trường cùng với tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, tạo điều kiện gia tăng phát tán mầm bệnh nên nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lây lan trên diện rộng là rất lớn.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: Công văn số 2852/SNN về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, khống chế bệnh LMLM; Kế hoạch số 2888/KH-SNN-CNTY về triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, môi trường đợt 2/2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 2898/ KH-SNN-CNTY về tiêm phòng khẩn cấp vắc xin LMLM phòng, chống dịch.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai khẩn trương công tác tiêm phòng về tận cơ sở trên toàn tỉnh. Được sự phân bổ vắc xin LMLM của trung ương 27.000 liều và với sự quyết liệt thực hiện của cơ quan chuyên môn, huy động tối đa lực lượng làm công tác thú y cơ sở như: Nhân viên thú y, người tham gia hành nghề thú y, cán bộ kỹ thuật của trạm chăn nuôi và thú y… cùng với sự hỗ trợ của cán bộ các hội, đoàn thể ở cơ sở, đến ngày 3/9/2024, toàn tỉnh đã tiêm được 8.655 liều vắc xin cho trâu, bò trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, tiêm đạt kết quả cao nhất là huyện Hướng Hóa với 5.435 liều, Đakrông 1.911 liều, Vĩnh Linh 679 liều… Loại vắc xin tiêm phòng trong đợt này là để phòng, chống bệnh LMLM Type O và A.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, đơn vị chuyên môn của sở đã tập trung chỉ đạo tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm phòng đồng bộ và tiêm cùng thời điểm cho toàn bộ đàn trâu, bò trong diện tiêm phòng hiện có tại các địa phương. Trong những ngày tới, tiếp tục chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y tiêm phòng đạt tỉ lệ trên 80% so với tổng đàn, 100% so với diện tiêm ở các vùng tiêm phòng bắt buộc.
Trong quá trình tiêm phòng phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật, các bước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y. Nguyên tắc tiêm vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò là tiêm cho trâu, bò của các hộ tại thôn, xóm chưa có dịch trước; sau đó tiêm cho đàn trâu, bò khỏe mạnh tại thôn, xóm đã có gia súc bị bệnh; tiêm bao vây từ ngoài vào, áp sát các hộ có dịch.
Đối với trâu, bò đã có biểu hiện triệu chứng của bệnh LMLM hoặc trâu, bò bị các bệnh khác thì tuyệt đối không được tiêm. Các thao tác kỹ thuật tiêm phải đảm bảo an toàn cao, tránh làm nhiễm chéo giữa các hộ, khu vực. Thực hiện việc bảo quản, sử dụng vắc xin và tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn.
Cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương cần thực hiện tốt công tác giám sát, theo dõi đàn gia súc sau khi tiêm để xử lý kịp thời các trường hợp phát bệnh sau tiêm phòng. Đồng thời, lập danh sách và ghi chép đầy đủ, chính xác số gia súc được tiêm phòng, có xác nhận của chủ hộ và chính quyền địa phương.
Với sự ra quân tiêm phòng khẩn cấp, không dàn trải, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, công tác tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu, bò được đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo tiêm phòng đúng kỹ thuật.
Cùng với công tác tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng tập trung chỉ đạo công tác vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại… tại các hộ chăn nuôi trâu, bò, bãi chăn thả gia súc tập trung; thực hiện vệ sinh cơ giới, phun khử trùng tiêu độc tại các điểm tiêm phòng tập trung; thực hiện phun khử trùng tiêu độc sau mỗi đợt tiêm phòng nhằm dập tắt nguồn lây lan dịch bệnh. Các địa phương báo cáo tiến độ tiêm phòng và công tác phòng, chống dịch ở cơ sở về Chi cục Chăn nuôi và Thú y hằng ngày để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trần Cát Linh
Nguồn: Báo Quảng Trị