Để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp phòng chống các loại dịch bệnh, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Cuối tháng 3 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại một hộ chăn nuôi tại phường Hải Hoà, TP Móng Cái. Đến ngày 12/4, số lợn ốm, chết tiêu hủy là 44 con lợn thịt với 2.016 kg. Ngay khi dịch xảy ra, TP Móng Cái đã khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách xử lý dứt điểm ổ dịch, ngăn ngừa lây lan. Trong đó, chú trọng khoanh vùng dịch; vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ vùng dịch uy hiếp, vùng đệm và trên toàn địa bàn phường Hải Hoà… Cùng với đó, các xã, phường, BCĐ phòng chống dịch hại trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản của thành phố khẩn trương rà soát tổng đàn lợn, số hộ nuôi; không giết mổ, tiêu thụ lợn bị bệnh gắn với tuyên truyên về tình hình dịch tả lợn châu Phi… Dịch tả lợn châu Phi đã được ngăn chặn kịp thời, không phát sinh ổ dịch mới.
Chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát mầm bệnh.
Nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế. Tỉnh quan tâm tháo gỡ những nút thắt trong chăn nuôi thông qua các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, thu hút đầu tư, ứng dụng KHCN…
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 41.000 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 1.244 trang trại chăn nuôi và 39.848 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Việc chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, dẫn đến tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý còn nhiều bất cập, nguy cơ ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát mầm bệnh. Cùng với đó, nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng hệ thống xử lý chất thải nhưng vượt quá quy mô công suất…
Cũng theo nhận định của ngành chức năng, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm… tiếp tục xảy ra và lây lan; các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao ở phạm vi rộng, trong đó, có loại mầm bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh.
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn cho phát triển chăn nuôi, mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp và khẩn trương tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, giám sát tốt dịch bệnh, hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm soát giết mổ. Cùng với đó, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, truy xuất nguồn gốc lợn vận chuyển đến các cơ sở giết mổ; tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại các địa phương, cán bộ thú y tiếp tục phối hợp với trưởng thôn, khu tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đến tận hộ gia đình nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, trưởng các thôn, khu thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, phối hợp cùng các đoàn thể vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khi phát hiện hộ gia đình có phát sinh số lượng đàn lợn nuôi mà chưa thực hiện kê khai phải báo ngay cho chính quyền địa phương để theo dõi, quản lý theo quy định.
Song song với đó, các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh, nhất là trên đàn lợn để nâng cao khả năng chống dịch bệnh và đề phòng phát sinh một số bệnh truyền nhiễm; hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng… Đồng thời, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung rà soát vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã được quy hoạch để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững; khuyến khích các mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, áp dụng biện pháp đảm bảo môi trường.
Nguyễn Huế