Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân trong việc phát triển kinh tế, làm giàu bền vững từ vật nuôi bản địa. Trong đó, gà Tiên Yên và lợn Móng Cái là 2 giống vật nuôi chủ lực được tỉnh đầu tư trọng tâm, tạo giá trị gia tăng cao.
Xác định chăn nuôi tiếp tục là ngành có vai trò quan trọng, cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt ra những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 – 2025, như nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt trên 60%. Đến năm 2030, có ít nhất 2 trung tâm sản xuất giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, đáp ứng 100% nhu cầu giống trong tỉnh và cung cấp cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp tỉnh ngoài.
Gà Tiên Yên tham gia Hội thi Vua Gà lần thứ hai năm 2023. Ảnh: Phạm Học
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, cụ thể như chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh. Cùng với đó, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Tại huyện Tiên Yên, những năm qua, địa phương đã tích cực phát triển chăn nuôi bằng các chính sách hỗ trợ giống, lãi suất vốn vay cho các hộ nuôi và HTX, doanh nghiệp. Với sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp huyện, đến nay trên địa bàn đã thu hút được một số công ty, HTX tham gia sản xuất giống và nuôi tập trung như: Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông – lâm – ngư nghiệp Phúc Long; HTX Sản xuất giống gà bản địa Tiên Yên; cơ sở sản xuất gà giống Đinh Quang Tưởng…
Để phát triển đàn gà theo hướng bền vững, các phòng, ban, đơn vị của huyện đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền đến hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành lập các trang trại, HTX. Đến nay, toàn huyện có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên quy mô tập trung trên 500 con/lứa; 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm; 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên quy mô đạt 1,2 triệu con giống/năm; trong đó có 24 trang trại tổng hợp chăn nuôi gà theo mô hình VietGAP.
Đặc biệt, từ tháng 3/2021, huyện Tiên Yên đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai ứng dụng khẩu phần thức ăn tự phối trộn từ nguồn nguyên liệu sẵn có nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà Tiên Yên thương phẩm. Hiện nay, đã có nhiều cơ sở chăn nuôi đặt mua máy trộn thức ăn, với quy mô tổng đàn gà gần 4.000 con. Việc xây dựng khẩu phần ăn phù hợp đóng vai trò rất quan trọng nâng cao năng suất và chất lượng thịt cho đàn gà và chất lượng giống.
Đến nay, sản lượng gà thịt Tiên Yên thương phẩm toàn huyện đạt trên 1,2 triệu con/năm, với doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng/năm, gấp 8,5 lần so với năm 2010. Có thể khẳng định, việc nuôi gà Tiên Yên đã thực sự phát huy hiệu quả trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện, nhiều gia đình đã thoát nghèo, trở nên khá giả nhờ nuôi gà. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tiên Yên đạt 72,5 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 0,198%.
Cùng với giống gà Tiên Yên, để bảo vệ, phát triển lại đàn lợn Móng Cái, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, như: Tìm lại nguồn giống quốc gia lưu trữ tại các trung tâm giống trong cả nước; kêu gọi, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho người chăn nuôi. Năm 2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4495/QĐ-UBND “Phê duyệt phương án bảo tồn giống lợn Móng Cái trên địa bàn tỉnh dưới dạng tinh dịch đông lạnh, phôi đông lạnh; tái tạo giống lợn Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi”. Phương án được thực hiện tại 3 cơ sở: Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường Quảng Ninh (TP Cẩm Phả), Công ty TNHH MTV phát triển NLN Quảng Ninh (TP Móng Cái), Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long (huyện Hải Hà); 100% kinh phí do UBND tỉnh hỗ trợ, từ xét nghiệm bệnh tả lợn châu Phi, giám sát, nghiệm thu, đông lạnh tinh và phôi… Doanh nghiệp tham gia được hưởng thụ kết quả tái tạo giống lợn Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi; cam kết hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng lợn đực, lợn cái tham gia phương án.
Giai đoạn 2021 – 2025, Sở KH&CN cũng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai nội dung nhiệm vụ “Bảo tồn nguồn gen lợn Móng Cái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” thuộc Đề án khung bảo tồn nguồn gen tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu chung của nhiệm vụ nhằm phục tráng và phát triển đàn lợn Móng Cái thuần chủng bằng ứng dụng công nghệ gen, công nghệ hỗ trợ sinh sản và công nghệ dinh dưỡng.
Lợn Móng Cái được sơ chế, bảo quản đảm bảo ATTP tại Khách sạn Viktor Legends.
Để duy trì đàn lợn Móng Cái thì yếu tố đầu ra cho sản phẩm cũng đang được chú trọng. Những năm gần đây, các món ngon từ lợn Móng Cái đã từng bước trở thành điểm nhấn trong thương hiệu du lịch của thành phố vùng biên nhờ có sự liên kết giữa HTX chăn nuôi và nhà hàng tiêu chuẩn đứng chân ngay trên địa bàn. Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Vạn Thành Phát (TP Móng Cái), cho biết: Đơn vị chúng tôi đang duy trì nuôi bình quân từ 500-600 con/năm. HTX đã ký kết hợp tác với Công ty CP Duyên Hải Quảng Ninh cho ra mắt sản phẩm “Lợn Móng Cái đủ món” phục vụ chính tại Khách sạn Viktor Legends (phường Hòa Lạc, TP Móng Cái). Chu trình sản xuất – ẩm thực khép kín, khai thác nguồn thực phẩm chất lượng cao ngay tại địa phương chính là sản phẩm du lịch độc đáo được nhiều người quan tâm, ưa chuộng…
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt là các giống vật nuôi bản địa, giúp người dân xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nổi bật là Dự án liên kết sản xuất được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết như nhà lưới, nhà xưởng, bến bãi, máy móc, thiết bị, cơ sở phục vụ cho quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (bao gồm cả sản xuất giống nông, lâm, thủy sản); hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…
Hoàng Quỳnh