Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, bình ổn giá thịt lợn hơi dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh tái đàn, tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh và kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian để sản phẩm đến tay người tiêu dùng được đảm bảo với mức giá hợp lý.
Theo số thống kê, trung bình một ngày trên địa bàn tỉnh cung ứng ra thị trường khoảng 237 tấn thịt; trung bình hàng quý khoảng 18.900 tấn. Tuy nhiên, khả năng cung ứng thịt lợn trên địa bàn tỉnh mới đạt 78% nhu cầu người sử dụng, còn thiếu khoảng 22% nhu cầu, phải huy động nguồn cung từ các tỉnh ngoài như: Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định…
Đàn lợn của hộ anh Nguyễn Văn Duy (thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TX Đông Triều) được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm. Ảnh: Hải Hà
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Hiện nay đàn lợn trên địa bàn thị xã đạt gần 55.000 con, tuy nhiên thời điểm này tình hình dịch bệnh trên gia súc đang diễn biến phức tạp nên đòi hỏi công tác vệ sinh tiêu trùng khử độc trong chăn nuôi phải được quan tâm. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích chăn nuôi theo hình thức tập trung để đảm bảo nguồn cung, thị xã còn đẩy mạnh công tác tiêm chủng nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn, bảo vệ thành quả chăn nuôi đến cuối năm.
Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay tới cuối năm, nếu tiếp tục duy trì và đảm bảo sản xuất trồng trọt và chăn nuôi thì cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm, nhưng giá cả một số mặt hàng như gạo và thịt heo có thể tăng nhẹ do nhu cầu các dịp lễ, Tết cuối năm. Theo tính toán, giá thịt heo sẽ tăng 10-15% những tháng cuối năm, tương đương giá lợn hơi tăng lên 68.000-70.000 đồng/kg. Tuy mức giá này tăng không quá đột biến so với những năm trước, nhưng để đảm bảo nguồn cung ổn định, các ngành chức năng quyết liệt thực hiện một số giải pháp bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn gồm lợn hơi, lợn thành phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để đáp ứng nguồn cung thịt lợn giai đoạn cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ đảm bảo sản lượng thịt hơi xuất chuồng 106.900 tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chăn nuôi mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi có phương án đảm bảo nguồn hàng ổn định tham gia chương trình; tối ưu hóa nguồn cung tại chỗ, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa ra thị trường với giá cả hợp lý; cung ứng hàng hóa vào hệ thống bán buôn, bán lẻ của chương trình để bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, Sở cũng tích cực rà soát, điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, tái đàn lợn phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn, tạo điều kiện cho các cơ sở tham gia chương trình liên kết trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung ổn định. Cùng với đó, nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chăn nuôi và nguồn cung thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Sở NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh khai thác, thu mua hàng hóa, trong đó ưu tiên khai thác nguồn hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ động phối hợp với các tỉnh trong việc khai thác hàng hóa nhằm bù đắp lượng hàng hóa thiếu; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận chuyển mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi từ các tỉnh đưa về Quảng Ninh và đưa vào các điểm bán hàng bình ổn giá trong tỉnh để kịp thời cung ứng hàng hóa, tránh khan hiếm hàng, tăng giá bán.
Sở Công Thương thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ, bán hàng và việc thực hiện cam kết bình ổn thị trường của các đơn vị; hạn chế tối đa việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép; thức ăn chăn nuôi qua biên giới. Đặc biệt, kịp thời phát hiện khi có hiện tượng mất cân đối cung cầu hoặc tăng giá không đúng quy định, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu và tính toán phù hợp với từng thời điểm nhằm đảm bảo nguồn cung thị trường trong tỉnh.
Hoàng Quỳnh