Những tháng đầu năm, thời tiết bước vào thời điểm giao mùa là môi trường thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm có khả năng xuất hiện trên đàn vật nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi trong tỉnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm chất lượng, sản lượng gia súc, gia cầm và hoạt động cung ứng thực phẩm, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp, làm cho vật nuôi không kịp thích nghi nên hay bị nhiễm một số bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tạo điều kiện cho các dịch bệnh phát sinh. Đối với trâu, bò một số dịch bệnh dễ nhiễm như bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê, nghé, bệnh lở mồm long móng, bệnh cước chân, bệnh trướng bụng đầy hơi. Đối với lợn là các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả; lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, E.coli… Đối với gia cầm một số bệnh hay gặp như bệnh Gumboro, Newcastle, bệnh cúm, hội chứng tiêu chảy, H5N1… Mặt khác do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, xen kẹt trong khu dân cư dễ dẫn tới phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Cán bộ thú y xã Hải Tiến (TP Móng Cái) tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm trên địa bàn.
Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã chủ động lên phương án chuẩn bị nguồn vắc xin sẵn sàng cung ứng tới tất cả các xã, phường. Trong đó, ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm, dễ phát sinh vào thời điểm xuân hè như: Cúm gia cầm, tụ huyết trùng trâu, bò. Ông Phạm Văn Phong, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều cho biết: “Ngay trong những tháng đầu năm, phòng đã phối hợp chặt chẽ với các xã, phường phổ biến các nội dung liên quan tới công tác phòng bệnh cho vật nuôi. Đồng thời tổng hợp số lượng vật nuôi trong diện tiêm phòng; xây dựng phương án trình thị xã phê duyệt việc mua vắc xin cung ứng cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Anh Nguyễn Minh Bình (thôn 7, xã Hải Tiến, TP Móng Cái), cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi gia súc, gia cầm đã gần chục năm nay, để phát triển ổn định và hiệu quả thì việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Để phòng bệnh, khi vật nuôi đến tuổi tiêm phòng gia đình tôi đã chủ động đăng ký mua vắc-xin và mời cán bộ thú y xã tới tiêm phòng bệnh kịp thời".
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh, đàn trâu có 29.101 con, tăng 0,31% cùng kỳ năm 2022; đàn bò 32.532 con, bằng 99,3% cùng kỳ; đàn lợn 275.242 con, tăng 1% cùng kỳ; đàn gia cầm 4.757,5 nghìn con, tăng 12,3% cùng kỳ. Trong thời điểm chuyển mùa, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, bổ sung các chất dinh dưỡng, khoáng, vitamin, che chắn chuồng trại… để nâng cao sức đề kháng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin bắt buộc theo quy định. Những ngày mưa phùn, cần giữ ấm cho vật nuôi, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Kiểm tra tình trạng ăn uống của vật nuôi, cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Cần cách ly vật nuôi ốm ra khỏi đàn, không được bán hoặc phát tán, không được sử dụng lại thức ăn thừa của những vật nuôi bị bệnh cho vật nuôi khác. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, chính quyền cấp xã tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Trong đó, tập trung giám sát lưu hành một số dịch bệnh nguy hiểm để phát huy tính chủ động; giám sát và cảnh báo dịch từ sớm, từ xa, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan; nâng tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt trên 80% tổng đàn, kiểm soát tốt dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh…
Nguyễn Thanh