Thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn những nguy cơ lây lan và phát sinh thành các ổ dịch lớn, nếu không được kiểm soát một cách chặt chẽ. Để chủ động phòng, chống dịch cho đàn gia cầm, các địa phương trong toàn tỉnh đang tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), thời điểm đầu tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận chủng cúm A/H5N8 xuất hiện trên đàn gà của gia đình ông Nguyễn Đình Khánh (thôn 5, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà). Theo đó, các đơn vị chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gà, đảm bảo các bước theo quy định; số gia cầm mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy là 5.000 con vịt, 200 con ngan. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm với các đàn gà lân cận ổ dịch nhằm xác định mức độ phát tán của dịch.
Như vậy, ổ dịch cúm gia cầm chủng cúm A/H5N8 tại xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, là ổ dịch A/H5N8 thứ 2 xuất hiện tại Quảng Ninh (trước đó, đã xuất hiện ổ dịch ở thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai, TP Hạ Long, tháng 7/2021).
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT): Hiện nay, thời tiết đã bước vào mùa đông, bắt đầu xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm. Thêm vào đó, dịp cuối năm, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm diễn ra sôi động, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập dịch cúm gia cầm vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Mặt khác, theo kết quả kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và thú y, hiện nay huyết thanh định lượng kháng thể sau tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm tại một số địa phương còn thấp, cho thấy đàn gia cầm được lấy mẫu không đủ miễn dịch chống lại vi rút cúm… do vậy, nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm là rất cao.
Cũng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, mức độ nguy hiểm của chủng cúm A/H5N8 là không chỉ làm chết gia cầm mà còn có thể lây lan sang người mà không để lại triệu chứng. Nếu cơ thể người nhiễm bệnh có bệnh lý nền thì sẽ phát bệnh. Còn nếu người khỏe, sức đề kháng tốt thì mầm bệnh không phát tác nhưng lưu trữ trong cơ thể và phát triển, biến đổi tiếp, có nguy cơ tạo ra những biến chủng bệnh nguy hiểm trên người, trong đó không loại trừ những bệnh có thể lây lan từ người sang người.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, các địa phương cũng đã tích cực phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch cúm gia cầm, không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng. Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý khi phát hiện ổ dịch.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Thị xã đã tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm hiện có trên địa bàn, nhất là tại các trang trại, các cơ sở chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân để kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến cáo bà con mua con giống đảm bảo có nguồn gốc; chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng định kỳ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm; thường xuyên tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn.
Bệnh cúm gia cầm đến nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy, biện pháp phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu. Nhằm hạn chế các ổ dịch cúm gia cầm phát sinh, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp: Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng. Cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương khi thấy đàn gà có các biểu hiện, như: Gà sốt cao, bỏ ăn, khó thở, phải há mỏ để thở, dịch trong mũi, miệng, nước mắt chảy liên tục; gà tiêu chảy, phân có màu xanh vàng, mùi tanh; dấu hiệu đặc trưng là da chân có tụ huyết; tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết cao…
Bên cạnh đó, các hộ, cơ sở chăn nuôi nên nhập mua con giống ở các cơ sở cung cấp con giống có uy tín; chỉ chọn những gia cầm khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm hoặc nghi mắc bệnh. Gia cầm mua về phải nuôi cách ly trong thời gian 2-3 tuần để theo dõi, xử lý khi gia cầm có biểu hiện bất thường và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đồng thời, thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y…
Nguyễn Thanh