Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Do đó, người chăn nuôi cần thận trọng và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Hơn 10 ngày qua, đàn bò 3 con của gia đình bà Nguyễn Thị Muộn, ở thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ), mắc bệnh viêm da nổi cục. Bà Muộn đã khẩn trương tiêm thuốc đặc trị, bổ sung nguồn dinh dưỡng và sát khuẩn chuồng trại, nên bệnh cũng dần khỏi. “Cách đây hơn 1 năm, bệnh viêm da nổi cục đã làm chết 2 con bò của gia đình và vừa qua, bệnh này lại tiếp tục xảy ra ở đàn bò nhà tôi. Nhờ tiêm thuốc đặc trị, kết hợp bổ sung thức ăn, khoáng chất, nên đàn bò của gia đình cũng đã dần khỏi bệnh, dù vậy, bò sụt cân rất nhiều”, bà Muộn cho hay.
Người chăn nuôi tăng cường các biện phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.
Trước thông tin dịch cúm gia cầm vừa xảy ra tại một hộ chăn nuôi ở địa phương, gia đình chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), đã tăng cường rắc vôi, phun thuốc khử khuẩn, hạn chế người ra vào chuồng trại và bổ sung men tiêu hóa, vitamin cho đàn vịt. Chị Lan cho biết, gia đình đang nuôi 1.000 con vịt gần đến ngày xuất bán, nếu như để xảy ra dịch bệnh sẽ mất trắng gần 100 triệu đồng. Do đó, tôi đã triển khai các biện pháp phòng bệnh, để hạn chế được phần nào nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vịt.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã và đang xảy ra tại hơn 800 cơ sở chăn nuôi trong tỉnh, với hơn 900 con bò mắc bệnh, làm chết 193 con. Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 19 cơ sở chăn nuôi ở 6/13 huyện, thị xã, làm chết hơn 330 con. Cùng với đó, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi ở TP.Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng buộc phải tiêu hủy hơn 4.600 con vịt.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết, Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương có dịch tập trung khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tăng cường tiêm phòng và quản lý chặt chẽ việc giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn. Chi cục cũng đã cấp 10 nghìn lít hóa chất Benkocid, 10 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20%, 45 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng, gần 300 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm cho các huyện triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2022.
“Hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi trong tỉnh cần kiểm tra nguồn gốc của con giống trước khi nhập đàn vào chuồng nuôi. Quá trình nuôi cần tăng cường tiêm phòng, bổ sung khoáng chất cho đàn vật nuôi và không được giấu dịch làm lây lan diện rộng”, ông Hạ khuyến cáo.
Bài, ảnh: Hải Châu
Nguồn: Báo Quảng Ngãi