(Người Chăn Nuôi) – Phúc lợi động vật, chính sách và thực hành tại Việt Nam là một số nội dung quan trọng được các đại biểu quan tâm tại Hội thảo Liên minh động vật trang trại Việt Nam diễn ra từ ngày 23 – 24/6/2023 tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Hội Bảo vệ Động vật Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Liên minh Châu Á vì Động vật, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cục Thú y, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, các tổ chức và doanh nghiệp như: Shimp Welfare Project, MCD, CP, HealthyFarm…
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Những thách thức đối với việc thực thi phúc lợi động vật
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã có bài trình bày về cơ hội và thách thức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Theo đó, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang có một số cơ hội như: tiêu thụ trên toàn thế giới tăng lên, do các nước có thu nhập cao tiêu thụ các loại thịt trắng tăng, nhu cầu protein từ thịt trên toàn thế giới tăng. Trong nước nhu cầu thịt, trứng, sữa không ngừng tăng do tăng dân số, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý phát triển chăn nuôi khá thông thoáng. Việt Nam đã ký kết 18 Hiệp định thương mại tự do, đưa Việt Nam trở thành một thị trường mở, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và trong nước vào lĩnh vực chăn nuôi.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức: chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp quy mô lớn với việc duy trì chăn nuôi truyền thống để bảo đảm sinh kế cho nông dân. Sự mở cửa tự do thương mại vừa là cơ hội vừa thách thức lớn. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nghuyên liệu thức ăn chăn nuôi và con giống, thiết bị có chất lượng từ nước ngoài. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bấp bênh, rủi ro cao. Dịch bệnh trên động vật nuôi vẫn nguy cơ cao, rủi ro và gây thiệt hại lớn. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Quỹ đất dành cho chăn nuôi ngày càng thu hẹp. Các doanh nghiệp nội/hộ chăn nuôi bị yếm thế trước các doanh nghiệp FDI. Việc thực thi pháp luật về động vật cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành chăn nuôi.
Theo bà Hà Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Động vật Việt Nam, chính sách và thực tiễn thực hiện phúc lợi động vật tại Việt Nam hiện đối mặt với nhiều thách thức. Tại Việt Nam khái niệm này còn mới và không người chăn nuôi nào hiểu, là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững. Hiện nay, gà đẻ trứng nhốt lồng và lợn nái nuôi cũi đang phát triển mạnh và phồ biến tại Việt Nam.
Hiện có 88,7 triệu gà đẻ trứng, hầu như nuôi lồng trong điều kiện chật chội, nhiều tầng. Lợn nái thì dùng cả cuộc đời ở trong cũi. Khâu giết mổ, vận chuyển động vật chật chội.
Hoạt động phúc lợi động vật của các hội, nhóm cứu trợ động vật trong nước và quốc tế hiện nay cũng đang phát triển. Chúng ta cũng có luật chăn nuôi về phúc lợi động vật. Phúc lợi động vật đang trở thành xu hướng tất yếu trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Tam Thanh, Điều phối viên Liên minh Châu Á vì động vật (AFA), cho biết: tổ chức AFA được thành lập tháng 9/2020, nhằm tập hợp đoàn kết các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này để tạo nên tiếng nói và tác động mạnh mẽ hơn. Hiện tổ chức có 16 thành viên, là những tổ chức uy tín trên thế giới, có mặt tại 6 quốc gia. AFA hiện đang có nhiều hoạt động hiện thực hóa các vấn đề về phúc lợi động vật tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Cần sự chung tay
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Mùi, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, muốn đưa được vấn đề phúc lợi động vật vào đời sống phải thông qua nhiều kênh thông tin. Trong đào tạo, đây vẫn là môn học mới mẻ trong chương trình giảng dạy của Học viện Nông nghiệp, Chăn nuôi hiện nay đang theo xu hướng hiện đại và văn minh. Hiện đại nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành, văn minh hướng tới bền vững, môi trường thực phẩm lành mạnh, phúc lợi động vật. Phúc lợi động vật phải đảm bảo được mối quan hệ giữa thể chất, tinh thần, tính tự nhiên của động vật. Phúc lợi động vật tồi thì chất lượng động vật giảm sút.
Tiến sĩ Hán Quang Hạnh đánh giá, ngành chăn nuôi là ngành hàng có vai trò lớn, cung cấp lượng thực phẩm có giá trị và xuất khẩu. Đã có nghiên cứu về phúc lợi động vật trong những năm gần đây. Chăn nuôi ngày càng phát triển theo hướng thâm canh, công nghiệp hóa, quy mô lớn, cơ giới hóa, tự động hóa cao, mật độ chăn nuôi cao, các giống cao sản được đưa vào sản xuất. Vì nhu cầu, con người tạo ra giống gà “siêu trứng”, khiến gà mái gặp nhiều stress, xương yếu, lông xơ xác. Gà thịt được sản xuất theo hướng “siêu thịt”, nên lớn quá nhanh, gặp phải hội chứng chết đột ngột, xương yếu, chân yếu.
Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện coi con vật như cỗ máy sản xuất ra thịt, trứng, sữa. Nuôi mật độ dày, nhiều tầng, bắt vật nuôi phải thích nghi với điều kiện chuồng trại chật chội, chưa quan tâm tới tính tự nhiên của con vật gây ra vấn đề sức khỏe, tập tính bất thường.
Để phúc lợi động vật đi vào đời sống, cần xây dựng thể chế, chính sách, nhận thức hành vi của người tiêu dùng, nhận thức, kỹ năng, thái độ của người chăn nuôi và bác sĩ thú y, bên cạnh đó đầu tưnghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ…
Tiến sĩ Hán Quang Hạnh đề xuất: Xây dựng tiêu chuẩn về phúc lợi động vật nên sử dụng những tiêu chuẩn sẵn có, tham khảo quốc tế, lựa chọn tiêu chí, cần có những yêu cầu bắt buộc và khuyến cáo, cần có thời gian cho sự chuyển đổi. Tăng cường đào tạo tập huấn, nghiên cứu khoa học và khuyến nông.
Con người cần thực phẩm phải sản xuất nhân đạo, chăn nuôi nhân đạo là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích, cần chung tay của tất cả mọi người.
Rào cản lớn nhất của Việt Nam khi thực hiện phúc lợi động vật, theo Tiến sĩ Hạnh, đó là kinh tế thị trường. Do chi phí gia tăng, lợi nhuận giảm, do xu hướng công nghiệp hóa lớn đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên việc thúc đẩy chăn nuôi nhân đạo gặp khó khăn. Hơn nữa xuất khẩu chăn nuôi chưa lớn nên các sản phẩm chăn nuôi nhân đạo khó thu được giá trị tương xứng.
Đánh giá về phía doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho rằng C.P. Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong về thực hành chăn nuôi đảm bảo phúc lợi xã hội. Mặc dù chi phí và lợi ích không hài hòa, chi phí đội lên 30 – 35% nhưng bán ra không cao hơn, tiêu thụ chậm. Đây là câu chuyện phải vận động trong thời gian rất dài. Ở Việt Nam, chế tài chưa hoàn chỉnh, chưa có văn bản dưới luật để hướng dẫn, cụ thể hóa những tiêu chuẩn để đối xử nhân đạo, không có quy định về nghiên cứu trên động vật. Như vậy có khoảng trống. Phải có doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, phải tiên phong đi trước, khi có tiêu chuẩn bắt buộc phải làm.
Thu Hiền