Hiện nay, tại các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên vẫn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Điều đáng nói, chính thói quen của người tiêu dùng muốn sử dụng các sản phẩm thịt nóng, được giết mổ tại chỗ đã tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động.
Theo chị Lê Thị Nga, ở phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên): Để tiết kiệm thời gian, mỗi khi đi chợ, tôi thường chọn gà khỏe mạnh và thuê thịt ngay tại chỗ, sau đó về nhà rửa lại bằng nước sạch. Thú thật, tôi cũng chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ gà đã qua khâu kiểm dịch hay chưa, miễn là gà còn sống là được.
Không riêng chị Nga mà hiện nay, đa phần người dân đều mua thịt gia súc, gia cầm theo thói quen, quan sát bằng cảm quan chứ chưa quan tâm đến khâu giết mổ có đảm bảo vệ sinh hay không.
Một cơ sở kinh doanh, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ trên đường Bến Oánh (TP. Thái Nguyên).
Chị Nguyễn Thị Hiền, một tiểu thương kinh doanh thịt gia cầm trên đường Bến Oánh (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, tôi bán khoảng 20 – 40 con gia cầm sống và hầu như khách hàng đều nhờ giết mổ luôn. Nếu như bày bán gà giết mổ sẵn, khách hàng thường không tin tưởng và không dám mua, vì lo ngại gà bị nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, nhà tôi còn giết mổ thuê với giá 15-20 nghìn đồng/con gà, vịt.
Có một thực tế đang diễn ra là do nhận thức, thói quen nên người tiêu dùng vẫn thường xuyên sử dụng những sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không được kiểm soát trong bữa ăn hằng ngày. Điều này đã tạo cơ hội cho các lò giết mổ nhỏ lẻ tự phát ngày càng phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát hoạt động tại các chợ dân sinh, khu dân cư. Chị Nguyễn Thị Trinh, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), cho biết: Trung bình mỗi ngày, vợ chồng tôi thịt 1 con lợn nặng trên dưới 100 kg tại nhà rồi đem ra chợ bán. Nếu mang ra lò mổ tập trung, sau khi trừ chi phí đi lại thì tôi chẳng còn được lãi bao nhiêu.
Thực tế, tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ không chỉ là thói quen có hại mà còn gây hệ lụy lớn. Bởi từ đây, mầm bệnh sẽ phát tán, làm lây lan cúm gia cầm và nguy hiểm hơn là dễ lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm sang người. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh thì việc giết mổ nhỏ lẻ không có dấu kiểm soát thú y rất dễ làm lây lan dịch bệnh.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Ban Quản lý các chợ của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để tiểu thương thấy được nguy hại của việc buôn bán, giết mổ gia cầm sống; vận động tiểu thương chuyển sang buôn bán gia cầm đã giết mổ sẵn có dấu kiểm dịch của ngành Thú y. Cùng với đó, Ban Quản lý các chợ cần thường xuyên kiểm tra, nếu tiểu thương cố tình vi phạm sẽ tịch thu gia cầm sống và xử phạt theo quy định.
Đối với chính quyền các địa phương cũng cần tích cực vào cuộc trong việc kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi. Về lâu dài, các địa phương thực hiện xóa bỏ hoạt động giết mổ động vật tại hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh, cơ sở giết mổ không đúng quy định; xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm vào giết mổ tập trung, có kiểm soát của cơ quan thú y.
Cùng với đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương hiện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là điểm mấu chốt, bởi nếu không thay đổi được suy nghĩ cũng như thói quen của người tiêu dùng thì rất khó để xóa bỏ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tự phát.
Lương Hạnh
Nguồn: Báo Thái Nguyên