Tại Thạch Yên, xã vùng cao của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, hầu hết người dân đều tuân thủ nuôi nhốt tại chuồng và không tổ chức chăn thả như ngày thường.
Gia đình anh Bùi Văn Bình (34 tuổi, trú xóm Ngái, xã Thạch Yên) cho hay, để đảm bảo có đủ nguồn thức ăn dự trữ cho đàn trâu, gia đình dành dụm một số loại thức ăn khô như rơm khô, cây ngô khô… từ vụ thu hoạch cuối năm trước. Thức ăn tươi như cây ngô tươi, cây chuối cũng được chuẩn bị để bổ sung khi thiếu.
Người dân đốt củi, quấn chăn sưởi ấm cho trâu, bò để tránh rét
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Dán – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, cho biết, ngay từ đầu đông, Phòng đã phối hợp chính quyền xã, thôn, xóm để tăng cường đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân không chăn thả trâu bò trong những ngày rét. Đồng thời, cán bộ tư vấn người dân các biện pháp đảm bảo thức ăn cho gia súc và vi chất cần thiết để vật nuôi có sức khỏe tốt nhất. Đặc biệt, phòng chức năng tuyên truyền người dân chuẩn bị sẵn củi, chăn để mặc, quấn cho vật nuôi nếu nhiệt độ xuống thấp.
Tại 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái những ngày qua, người dân đã lùa các đàn trâu thả rông về chuồng. Ông Giàng Sáy Chù, ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết, năm nay gia đình dự trữ thức ăn từ sớm, đồng thời khi thời tiết chuyển rét, gia đình đã lùa trâu về chuồng, nuôi nhốt, tránh tình trạng bị chết đói, chết rét.
“Để chủ động phòng chống đói, rét cho trâu bò, trước tiên, chuồng nuôi phải thông thoáng, vệ sinh, kín gió. Đến mùa thu hoạch lúa, rơm khô được để lại để dự trữ. Ngoài ra, củi để đốt, sưởi hoặc có thêm chăn, bạt cũ để quấn cho trâu, bò càng tốt khi thời tiết xấu”, ông Chù chia sẻ.
Trong khi đó, tại huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu), những ngày qua sương mù dày đặc vào đêm và sáng sớm khiến nhiệt độ giảm sâu, nhất là ở các xã biên giới phía Bắc của huyện. Toàn huyện hiện có trên 42.700 con gia súc, trong đó hơn 10.100 con trâu, hơn 1.370 con bò, còn lại là lợn, dê, ngựa.
Phòng NN&PTNT huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra và tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn vật nuôi; giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người dân thu gom, dự trữ nguồn nhiệt như than, củi, trấu để sưởi ấm cho trâu, bò khi thời tiết rét đậm.
Vận động các hộ chăn nuôi di chuyển đàn trâu, bò từ trong rừng về nhốt gần nhà để quản lý, chăm sóc thuận lợi. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ các loại thức ăn tinh như ngô, cám gạo, sắn.