Với những ưu điểm vượt bậc về thể trạng, tốc độ tăng trưởng, thời gian qua người chăn nuôi trong tỉnh Phú Yên đã tập trung chuyển đổi sang nuôi các giống bò lai chất lượng cao, tăng hiệu quả sản xuất.
Tăng tỉ lệ và chất lượng đàn bò lai
Với lợi thế đồng cỏ rộng lớn, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào nên chăn nuôi bò trở thành thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các địa phương đã tập trung phát triển đàn bò lai chất lượng cao theo hướng bán công nghiệp.
Theo UBND huyện Phú Hòa, chăn nuôi bò là công việc truyền thống ở hầu khắp các xã trong huyện. Những năm gần đây, nhờ được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nên người dân chuyển đổi mạnh từ nuôi bò cỏ sang nuôi bò lai và chuyển từ nuôi bò lai chất lượng thấp sang các giống bò lai chất lượng cao. Hiện tổng đàn bò toàn huyện gần 26.000 con, trong đó tỉ lệ bò lai chiếm trên 93% với các giống bò lai như BBB, Charolaise, Brahman… được nuôi theo hướng bán công nghiệp, nuôi nhốt tại chuồng, trồng cỏ để chủ động thức ăn.
Người dân phát triển đàn bò lai chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Chương
Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Trước đây gia đình tôi chủ yếu nuôi giống bò lai Sind nhưng tỉ lệ lai hóa thấp vì được phối với bò cái nền là bò cỏ địa phương nên con lai mặc dù hình thể lớn hơn bò cỏ nhưng tốc độ phát triển chậm, tỉ lệ thịt chưa cao. Từ khi được tham quan mô hình nuôi bò lai chất lượng cao của Phòng NN-PTNT huyện triển khai, gia đình tôi đã chuyển sang nuôi bò lai giống BBB. Bò lai giống này có hình thể to khỏe vượt trội so với các giống khác. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng cũng rất nhanh, tỉ lệ thịt cao nên rất có giá trên thị trường.
Tương tự, hiện nay huyện Tuy An là địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh với tỉ lệ bò lai rất cao. Toàn huyện có gần 30.000 con bò lai/tổng đàn hơn 35.000 con, chiếm hơn 85%. Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Địa phương không chỉ tập trung nâng tỉ lệ đàn lai mà còn chú trọng đến việc nâng tỉ lệ máu lai của đàn bò lai toàn huyện thông qua các mô hình, chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, nhất là hỗ trợ thụ tinh nhân tạo, bởi đây là phương pháp hữu hiệu nhất để lai tạo đàn bò. Vì vậy, hầu hết người chăn nuôi địa phương chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo trên nền bò cái giống lai BBB nên tỉ lệ máu lai của bê đạt trên 50%, có những đàn tỉ lệ đạt khoảng 75%. Cũng theo ông Hùng, với những bê có tỉ lệ máu lai càng cao thì tốc độ sinh trưởng càng nhanh, tỉ lệ thịt cũng nhiều hơn hẳn. Cụ thể, nếu bò lai có tỉ lệ máu lai 75% thì sau 24 tháng nuôi sẽ đạt trọng lượng 500 – 600 kg; còn với bò lai có tỉ lệ máu lai dưới 25%, sau 24 tháng nuôi, trọng lượng chỉ đạt từ 200 – 300 kg. Vì vậy, tỉ lệ máu lai của đàn bò lai quyết định lớn đến hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò.
Hiệu quả kinh tế
Ông Lê Văn Thao ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) cho biết: Sau gần 20 năm nuôi bò đàn thả rông với giống bò cỏ địa phương, thì nay gia đình tôi đã chuyển đổi hết đàn bò cỏ này sang nuôi 3 con bò cái lai giống BBB. Đồng thời thực hiện phối tinh nhân tạo với tinh giống bò BBB nữa nên bê có hình thể to lớn vượt trội, rất mau lớn. Mới đây, 3 con bò BBB của gia đình tôi đã có người mua với giá 145 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, lãi ròng được gần 80 triệu đồng. Còn theo bà Nguyễn Thị Linh ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), hiện nay gia đình bà có đàn bò 20 con, trong đó có 10 con bò cái với các giống bò lai Charolaise và BBB. Mỗi năm, đàn bò sinh sản được 10 con bê, nuôi giáp năm bán được khoảng 35 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi được 300 triệu đồng từ nuôi bò.
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho biết: So với các loài vật nuôi khác, lúc này nuôi bò lai đang cho lợi nhuận khá nhất nên bà con ở địa phương phát triển mạnh đàn nuôi. Ngoài ra, người dân còn nắm vững các kỹ thuật chăm sóc vỗ béo bò lai mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Bình quân, sau 3 tháng nuôi bò sẽ tăng thêm 70kg thịt, mang lại lợi nhuận từ 2,5-3 triệu đồng (riêng giai đoạn vỗ béo này). Vì vậy, hầu hết bà con địa phương chuyên nuôi bò thịt đều chọn các giống lai chất lượng cao, giúp mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
>> Trong vòng 4 năm (2017 – 2020), ngân sách tỉnh đầu tư 6,6 tỉ đồng để hỗ trợ miễn phí hơn 51.000 liều tinh bò lai các giống BBB, Brahman, Charolaise để phối giống cho hơn 38.300 con bò cái thông qua Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Qua đó đã góp phần nâng tỉ lệ đàn bò lai của tỉnh lên 74% trong tổng đàn hơn 170.000 con, trở thành một trong những địa phương có tỉ lệ bò lai cao nhất trong khu vực. Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT |
Thủy Tiên
Nguồn: Báo Phú Yên