Phú Yên: Nỗ lực dập dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc

Ngành chức năng, các địa phương và người chăn nuôi đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng khống chế, không để dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) lây lan rộng trên địa bàn.

Xảy ra ở nhiều địa phương

Theo UBND huyện Đồng Xuân, dịch bệnh VDNC xảy ra ở huyện này từ ngày 13/6 tại một hộ nuôi ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1. Sau đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan ra nhiều hộ nuôi ở các địa phương khác.

Ông Trần Văn Sư ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, là hộ có bò nhiễm bệnh VDNC đầu tiên ở địa phương này, cho biết: “Con bò bị nhiễm bệnh của nhà tôi mới được mua về từ Sơn Hòa cách đây 1 tháng. Ban đầu bò khỏe mạnh bình thường, sau đó trên da nó xuất hiện các cục u to nhỏ đủ cỡ kèm sốt nhẹ. Sau khi chúng tôi báo và được cán bộ thú y kiểm tra thì mới biết bò bị bệnh VDNC.

Nhờ cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ điều trị, hiện bò đã khỏe mạnh, ăn uống bình thường”. Ngoài ra, trên địa bàn xã Xuân Quang 1 còn có 1 con bò khác của hộ ông Huỳnh Văn Chẳng cũng ở thôn Suối Cối 1 bị bệnh VDNC. Con bò này khoảng 1 tháng tuổi và vừa phát bệnh cách đây ít ngày, hiện đang được điều trị.

khử khuẩn môi trường chăn nuôi

Người nuôi bò ở Đồng Xuân rắc vôi bột khử khuẩn môi trường khu vực chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Chương

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 Nguyễn Duy Luân cho biết: Sau khi phát hiện dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, xã đã thực hiện cắm 2 biển báo tại khu vực có dịch; tổ chức phun tiêu độc sát trùng môi trường liên tục trong 21 ngày tại thôn Suối Cối 1.

Xã còn cấp vôi bột cho người chăn nuôi để bà con sát khuẩn, vận động người dân tiêm phòng vắc xin VDNC cho gia súc, đến nay đã tiêm được 250 liều. Địa phương còn thành lập tổ tuyên truyền, vận động người dân mua vắc xin VDNC tiêm phòng cho đàn bò; yêu cầu các hộ mua bán bò viết cam kết không mua bán bò từ vùng dịch về…

Tương tự, những ngày qua, tại thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), chính quyền địa phương này cũng nỗ lực bao vây, khống chế không để bệnh lây lan ra diện rộng. Theo Chủ tịch UBND thị trấn La Hai Võ Như Ngọc, bệnh VDNC phát ra trên đàn bò từ ngày 27/6, đến nay đã có 5 con bò của 5 hộ nuôi ở khu phố Long Châu bị bệnh.

Tất cả số bò bệnh đều có triệu chứng điển hình là nổi cục u dưới da, sốt và vẫn ăn uống bình thường. Địa phương đang hướng dẫn người dân điều trị hạ sốt, tăng sức đề kháng… và tốc lực tiêm phòng bao vây, đến nay đã tiêm vắc xin VDNC cho hơn 800/1.150 con (tổng đàn có nguy cơ nhiễm bệnh), chiếm 70%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh cho biết: Đến thời điểm hiện nay, bệnh VDNC đã xảy ra tại 39 hộ nuôi thuộc 8 xã, thị trấn của địa phương, làm cho 43 con bò bị bệnh, trong đó chết 1 con. Huyện cũng đã công bố dịch VDNC tại xã Xuân Sơn Bắc.

Hiện tổng đàn bò có nguy cơ nhiễm bệnh lên đến hơn 10.000 con/tổng đàn toàn huyện 15.000 con. Địa phương đang tốc lực vận động người dân tiêm phòng vắc xin VDNC và đã tiêm được khoảng 3.500 liều, phân bổ 437 lít thuốc sát trùng và 463kg vôi bột cho các xã, thị trấn sát khuẩn môi trường.

Ngoài huyện Đồng Xuân, dịch bệnh VDNC còn xảy ra tại TX Sông Cầu.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Hiện trên địa bàn có 51 con bò bị bệnh VDNC ở 2 xã Xuân Bình và Xuân Lộc. Địa phương đã công bố dịch tại 2 xã này, đang tổ chức phun tiêu độc và tiêm phòng bao vây ở đây. Ngoài 2 xã trên, TX Sông Cầu cũng đã chỉ đạo các xã Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Lâm là những xã có nuôi bò khẩn trương vận động người dân tiêm phòng vắc xin VDNC cho gia súc để phòng dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh đã có 72 hộ nuôi thuộc 25 thôn của 10 xã ở huyện Đồng Xuân và TX Sông Cầu có bò bị bệnh VDNC với tổng số bò bệnh 94 con. Đến nay, đã điều trị khỏi các triệu chứng cho 8 con, đang tiếp tục điều trị bệnh cho 86 con, có 2 con đã chết vì bệnh này.

 

Chủ động phòng ngừa

Trước tình hình dịch bệnh VDNC bùng phát trên địa bàn tỉnh, người chăn nuôi trâu, bò các địa phương đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi của gia đình. Theo ông Hai Hội ở thị trấn La Hai, ông mới chi hơn 200.000 đồng để tiêm vắc xin VDNC cho 5 con bò.

tiêm vắc xin viêm da nổi cục

Người chăn nuôi ở huyện Phú Hòa tiêm vắc xin VDNC cho bò để phòng dịch. Ảnh: Nguyễn Chương

Hiện đàn bò này trị giá khoảng 150 triệu đồng, nếu xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại rất lớn, vì vậy gia đình ông thực hiện ngay việc tiêm phòng cùng nhiều biện pháp phòng ngừa khác để hạn chế rủi ro. Còn bà Nguyễn Thị Ý Thi, cán bộ nông nghiệp thị trấn La Hai cho hay: Người nuôi bò địa phương rất hưởng ứng việc tiêm phòng vắc xin VDNC, danh sách đăng ký tiêm ngày càng nhiều. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi phải đi tiêm từ 4 giờ sáng đến chiều muộn mới nghỉ để đẩy nhanh tốc độ tiêm, quyết tâm đưa tỉ lệ tiêm phòng lên trên 80% tổng đàn.

Giáp ranh với huyện Đồng Xuân, nhiều ngày qua, huyện Tuy An đã có những biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh VDNC lây nhiễm vào địa bàn. Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An Nguyễn Trọng Hùng cho biết: Huyện đã phân bổ 300 lít thuốc sát trùng để các địa phương phun khử khuẩn, đồng thời theo dõi, kiểm soát toàn bộ đàn trâu, bò trên toàn huyện, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị bệnh.

Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng tuyên truyền, vận động để bà con biết về sự nguy hiểm của bệnh VDNC và hiệu quả tích cực của tiêm phòng vắc xin, từ đó đẩy mạnh việc tiêm vắc xin VDNC cho đàn bò. Toàn huyện đã tiêm được 1.400 liều vắc xin VDNC.

Tương tự, tại huyện Phú Hòa, địa phương có đàn bò khá lớn của tỉnh, người chăn nuôi ở đây cũng tích cực tiêm phòng. Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) nói: Mặc dù đàn bò nhà tôi vẫn khỏe mạnh, nhưng nghe tin bệnh VDNC đang xảy ra ở các huyện khác nên gia đình đã chủ động tiêm vắc xin ngừa bệnh này cho đàn bò. Ngoài tiêm phòng, gia đình tôi còn xịt hóa chất diệt ruồi, muỗi khu chuồng nhốt bò để hạn chế lây truyền bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm cho biết: Hiện nay, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng gắt kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, trong khi đó lại là điều kiện thuận lợi cho các loài trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng… sinh trưởng, phát triển nên khả năng lây lan dịch bệnh VDNC trong thời gian tới là rất cao.

Hiện toàn tỉnh đã tiêm được gần 9.800 liều vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò, tỉ lệ tiêm còn rất thấp. Để có thể nhanh chóng dập dịch, không phát trên diện rộng, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh việc vận động hộ nuôi tiêm phòng vắc xin VDNC.

Người chăn nuôi cũng cần chú ý theo dõi sức khỏe gia súc; tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất để nâng sức đề kháng cho vật nuôi; tiêm phòng vắc xin, vệ sinh, phun hóa chất để tiêu diệt các loài trung gian truyền bệnh cũng như mầm bệnh trong môi trường thường xuyên…

>> Nhằm kiểm soát dịch bệnh VDNC trên địa bàn, UBND tỉnh đã thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1 tại cầu Bình Phú (TX Sông Cầu); đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông làm việc tại chốt này. Theo đó, chốt kiểm dịch tại cầu Bình Phú sẽ hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát các xe vận chuyển động vật, sản phẩm động vật quá cảnh và nhập tỉnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện Đồng Xuân thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra việc vận chuyển trâu, bò và sản phẩm trâu, bò trên quốc lộ 19C để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Thủy Tiên

Nguồn: Báo Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *