Sau khi tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC (vắc xin dịch tả heo Châu Phi nhược độc đông khô) của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân phối, nhiều đàn heo đổ bệnh và chết, khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên.
Thiệt hại lớn
Những ngày qua, gần như ngày nào vợ chồng ông Lê Hùng Vương ở thôn Định Thành (xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa) cũng mang heo chết đi chôn. Ông Vương cho biết: Lo sợ dịch bệnh lây nhiễm, khi nghe cán bộ thú y thông báo cung cấp vắc xin dịch tả heo Châu Phi (tả Châu Phi), gia đình tôi liền đăng ký mua để tiêm cho đàn heo. Ngày 14/8, khi nhận được vắc xin, tôi đã tiêm cho 34/48 con heo của gia đình. Đến ngày 21/8, tôi phát hiện đàn heo bị bệnh, ban đầu bỏ ăn, sau đó sốt, xuất huyết da… vài hôm sau thì chết. Sau 9 ngày tiêm vắc xin tả Châu Phi, đàn heo gia đình tôi đã có 14 con heo chết, gồm 7 heo nái và 7 heo thịt. Hiện trong chuồng vẫn còn nhiều con heo đang bỏ ăn, sốt, khả năng sẽ tiếp tục chết.
Theo ông Vương, đàn heo nái này có giá trị khá lớn, khoảng 14 triệu đồng/con, đàn heo thịt có trọng lượng từ 30-50kg/con. Ước tính đợt này gia đình ông thiệt hại gần 200 triệu đồng.
Nhiều con heo của gia đình bà Trần Thị Thuận ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) đang bỏ ăn, nằm li bì sau khi tiêm vắc xin. Ảnh: GIA NGUYỄN
Gần nhà ông Vương, những ngày qua, gia đình bà Trần Thị Thuận cũng đứng ngồi không yên khi hai đàn heo thịt có trọng lượng 50 và 80kg/con đang chết dần. Đây là tài sản duy nhất của vợ chồng bà Thuận và là nguồn thu nhập chính để nuôi ba đứa con ăn học, cũng như trả nợ vay ngân hàng. Vừa lúc đang trao đổi với chúng tôi, bà Thuận nhận cuộc gọi của hai con gái đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh xin tiền mua vé xe về quê nghỉ lễ. Cố kìm dòng nước mắt chực trào, bà Thuận bảo: “Đừng về, heo chết sạch rồi, nhà mình không còn tiền”.
“Tính đến nay đàn heo nhà tôi đã chết 23 con, gồm một heo nái và 22 heo thịt. Trong chuồng vẫn còn năm con đang sốt, nằm la liệt, thiệt hại hơn trăm triệu đồng. Mấy năm rồi heo thịt rớt giá, thu nhập bấp bênh. Nay thấy heo có giá, gia đình vay mượn gầy lại đàn. Đàn heo 46 con đang khỏe mạnh, vậy mà sau khi mua vắc xin về tiêm phòng cho 28 con thì chúng lần lượt ngã ra chết. Xót của quá! Tôi và bà con ở đây đề nghị nhà sản xuất sớm bồi thường thiệt hại để có điều kiện tái sản xuất, có tiền trả nợ”, bà Thuận nói.
Theo ông Dương Bá Trị, cán bộ thú y xã Hòa Định Đông, đợt này 12 hộ chăn nuôi trong xã đã tiêm vắc xin tả Châu Phi cho 151 con heo. Tính đến ngày 21/8, 36 con đã chết, 107 con đang điều trị, còn lại chưa có triệu chứng. Từ ngày 21/8 đến nay, số heo chết tăng thêm rất nhiều nhưng địa phương chưa thống kê vì trạm và công ty bán thuốc hướng dẫn chỉ thống kê đến ngày 21/8.
Đến sáng 23/8, heo trong trại nhà ông Lê Hùng Vương, xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) tiếp tục chết. Ảnh: GIA NGUYỄN
Tạm dừng tiêm, báo nhà sản xuất vắc xin
Hiện tình trạng heo đổ bệnh, chết sau khi tiêm phòng vắc xin còn xảy ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Đức, cán bộ quản lý Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa cho biết: Theo đăng ký đặt mua của người chăn nuôi, trạm đã cung cấp 225 liều vắc xin tả Châu Phi cho các xã Hòa Định Đông, Hòa Trị, Hòa Thắng và thị trấn Phú Hòa. Toàn bộ đàn heo sau khi được tiêm vắc xin khoảng 3-7 ngày đều phát bệnh, có nhiều con bị chết. Qua kiểm tra, toàn bộ số heo sau tiêm phòng đều phát bệnh với các triệu chứng giống nhau; những con không tiêm vắc xin còn lại trong đàn vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường nên có thể loại bỏ nguyên nhân dịch bệnh, khả năng có thể do phản ứng sau tiêm vắc xin.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 5/8, chi cục đã phân phối 900 liều vắc xin tả Châu Phi về các huyện Phú Hòa, Tuy An, Tây Hòa, Sông Hinh và TX Đông Hòa. Các địa phương đã tiêm được 595 liều. Sau khoảng 3-7 ngày tiêm, heo đổ bệnh, nhiều con bị chết. Thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh có 131 con có các triệu chứng sau tiêm vắc xin; trong đó, huyện Phú Hòa 80 con, Tây Hòa 13 con, Sông Hinh 5 con, TX Đông Hòa 33 con và đã có 73 con chết.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay: Ngay khi phát hiện tình trạng này, chi cục đã yêu cầu các địa phương tạm dừng tiêm và báo cho nhà sản xuất. Hiện chúng tôi đang phối hợp kiểm tra, thống kê. Phía công ty cũng đã lấy 2 mẫu máu để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, vắc xin tả Châu Phi bà con chăn nuôi trong tỉnh vừa tiêm phòng cho đàn heo là loại vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất, được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân phối đến người chăn nuôi qua hệ thống thú y cơ sở. Mỗi liều vắc xin công ty cung cấp có giá hơn 36.000 đồng và đến tay người chăn nuôi là hơn 40.000 đồng/liều (có thêm chi phí bảo quản, vận chuyển). Đây là loại vắc xin mới được sản xuất và được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y từ ngày 18/5/2022.
|
Gia Nguyễn
Nguồn: Báo Phú Yên