Phú Thọ: 4,73 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật

Để chủ động kiểm soát kịp thời, có hiệu quả các loại dịch bệnh động vật, giảm thiểu tác động xấu đến phát triển chăn nuôi, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 4803/KH-UBND ngày 29/11/2023 về Phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn năm 2024; nhằm phòng ngừa và khống chế loại dịch bệnh nguy hiểm như: Dại, cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…

phòng chống dịch bệnh động vật

Gia đình anh Ngô Văn Đạo xã Tạ Xá (Cẩm Khê) không thả rông, tăng cường thức ăn tinh và ăn xanh cho đàn vật nuôi.

Theo đó, 100% các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát hiện, phải xử lý kịp thời; 100% xã, phường, thị trấn lập sổ theo dõi đàn chó nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại và có 75% chó, mèo được tiêm vác xin dại; các trang trại có quy mô lớn, nhỏ phải có các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo cho đàn lợn không mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Kiểm soát tốt các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục… không để lây lan, phát sinh các ổ dịch lớn gây thiệt hại cho sản xuất và đảm bảo 80% tổng đàn được tiêm vắc xin phòng bệnh…

Trong năm 2024 sẽ có các đợt tiêm phòng tập trung vào tháng 3 và tháng 5, tháng 9 và tháng 11. Dự trữ thường xuyên khoảng 60.000 liều vác xin lở mồm long móng; 500.000 liều vắc xin cúm gia cầm; 10.000 liều vắc xin viêm da nổi cục; 50.000 liều vắc xin dại; 4.000 lít hóa chất khử trùng để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo quy định. Dự kiến kinh phí thực hiện 4,73 tỷ đồng cho các hoạt động giám sát dịch bệnh; hỗ trợ vác xin dại; thông tin tuyên truyền…

phòng chống dịch bệnh động vật

Cán bộ thú y tiêm phòng vác xin lở mồm long móng cho hộ chăn nuôi trâu tại xã Lai Đồng (Tân Sơn)

Đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành liên quan; chính quyền địa phương trong quản lý, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; nhất là công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh trên động vật, tạo sự chủ động và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên thông tin tuyên truyền trên Báo Phú Thọ, Đài PT-TH, Cổng thông tin điện tử…về nguy cơ, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh; các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người…

Thúy Hằng

Nguồn: Báo Phú Thọ
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *