Phòng trị bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò

Để phòng bệnh, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tẩy uế, tiêu độc khử trùng. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên…

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Pasteurella gây ra. Vi khuẩn sống khá lâu và sinh sản trong đất ẩm thiếu ánh sáng, có nhiều muối nitrat và chất hữu cơ. Trong chuồng nuôi súc vật và trên đồng cỏ vi khuẩn sống hàng tháng, có khi hàng năm.

 

 Triệu chứng

Trâu, bò thường mắc bệnh ở 3 thể sau đây:

Thể ác tính: Thể này thường ít gặp. Trâu, bò phát bệnh rất nhanh. Con vật đột nhiên lên cơn sốt cao 41 – 420C và trở nên hung dữ, điên loạn, đập đầu vào tường và chết trong vòng 24 giờ. Bê, nghé 3 – 18 tháng thể hiện triệu chứng thần kinh: Giãy giụa, ngã vật xuống rồi chết, có khi con vật đang ăn bỗng chạy lồng lên, điên loạn, run rẩy, ngã xuống rồi lịm đi.

Thể cấp tính: Xảy ra phổ biến ở trâu, bò. Thời gian ủ bệnh ngắn 1 – 3 ngày, con vật không nhai lại, mệt lả, bứt rứt, sốt cao đột ngột 40 – 420C. Các niêm mạc mắt, mũi đỏ sẫm rồi tái xám. Nước mắt, nước mũi chảy liên tục. Các hạch lâm ba đều sưng, đặc biệt là hạch dưới hầu sưng rất to, làm cho con vật lè lưỡi ra, thở khó khăn, người ta thường gọi là bệnh “trâu, bò hai lưỡi”. Hạch lâm ba trước vai, trước đùi sưng, thủy thũng, làm cho con vật đi lại khó khăn.

Một số trâu, bò bị bệnh thể đường ruột, lúc đầu phân táo bón, sau đó tiêu chảy dữ dội, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Bụng con vật chướng to do viêm phúc mạc và có tương dịch trong xoang bụng. Lúc sắp chết, con vật nằm liệt, đái ra máu, thở rất khó khăn, có nhiều chấm xuất huyết đỏ sẫm ở các niêm mạc. Bệnh tiến triển 3 – 5 ngày. Tỷ lệ chết 90 – 100%. Nếu bệnh chuyển sang nhiễm trùng máu thì con vật sẽ chết trong 24 – 36 giờ.

Thể mạn tính: Con vật mắc bệnh ở thể cấp tính, nếu không chết, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính, vật bệnh thể hiện viêm ruột mạn tính: Lúc tiêu chảy, lúc táo bón, viêm khớp làm cho con vật đi lại khó khăn, viêm phế quản và viêm phổi mạn tính. Bệnh tiến triển trong vài tuần. Con vật có thể khỏi bệnh, các triệu chứng nhẹ dần, nhưng thường con vật gầy rạc và chết do kiệt sức.

 

Phòng bệnh

Vệ sinh phòng bệnh: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tẩy uế, tiêu độc khử trùng. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên. Tăng cường sức đề kháng cho con vật bằng cách vệ sinh thức ăn, nước uống, ăn, uống đủ, chăm sóc sử dụng và khai thác hợp lý.

Phòng bệnh bằng vaccine: Tiêm vaccine tụ huyết trùng, liều lượng và cách dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất; Thông thường 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

 

Điều trị

Dùng kháng sinh để điều trị bệnh: Có thể dùng 1 trong các loại kháng sinh sau đây: Ceftiofur; Streptomycin, Kanamycin; Ampi – kana, Oxytetracyclin, Gentamicin, Linco – specto. Tiêm bắp cho con vật ốm và tiêm cho toàn đàn. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì và tiêm liên tục 3 ngày .

Dùng thuốc trợ sức, trợ lực: Ngoài việc dùng kháng sinh cần tiêm cho con vật các thuốc trợ tim, trợ sức như: Long não nước, hoặc Cafeinnatribenzoat 20% cùng với thuốc giảm sốt (Analgin C, hoặc Para C) và Vitamin B1, Vitamin C. Tiêm bắp, liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.

Chú ý: Trong những trường hợp cần thiết có thể truyền dịch (dung dịch đường Glucose 10 – 20% với liều lượng 500 – 1.000 ml/con/ngày). Tiêm truyền chậm vào tĩnh mạch. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để vật nuôi nhanh bình phục.

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch

                Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *