(Người Chăn Nuôi) – Bệnh gây ra do loài giun tròn Parascaris equorum, thuộc họ Ascarididae, ký sinh ở ruột non (có khi ở dạ dày) của ngựa, lừa, la.
Triệu chứng
Ngựa lớn nhiễm giun đũa thường ở trạng thái mang trùng, triệu chứng không rõ rệt. Ở ngựa non, triệu chứng biểu hiện nặng và rõ. Thời kỳ đầu ấu trùng di hành làm ngựa non bị ho, nước mũi chảy, thân nhiệt hơi tăng, có lúc thần kinh con vật bị kích thích. Thời kỳ sau (giun đã phát triển thành trưởng thành) ngựa thường bị viêm ruột, tiêu hóa rối loạn, bụng to, chậm lớn, thân nhiệt tăng cao, có khi có triệu chứng thần kinh. Niêm mạc nhợt nhạt do hồng cầu và huyết sắc tố giảm.
Chẩn đoán bệnh
Đối với ngựa còn sống: kiểm tra phân bằng phương pháp phù nổi tìm trứng giun đũa. Có thể dùng thuốc đặc hiệu tẩy giun đũa ngựa để chẩn đoán bệnh.
Đối với ngựa đã chết: mổ khám kiểm tra bệnh tích và tìm giun đũa ở ruột non.
Trị bệnh
Có thể sử dụng một trong các hóa dược sau để tẩy giun đũa cho ngựa:
– Levamisol: liều 8 mg/kg thể trọng, tiêm bắp thịt.
– Fenbendazol: liều 10 mg/kg TT, cho uống.
– Mebendazol: liều 8 – 10 mg/kg TT, cho uống.
– Morantel: liều 10 mg/kg TT, cho uống.
Phòng bệnh
Tẩy giun đũa cho ngựa 2 lần 1 năm. Hoàng Văn Dũng (2001) đã khuyến cáo: ngựa con cần được tẩy giun đũa vào lúc 2,5 tháng tuổi, tẩy lần 2 vào thời điểm sau cai sữa (6 – 7 tháng tuổi), tẩy lần 3 vào lúc 9 – 10 tháng tuổi. Khi tẩy nhốt ngựa 6 ngày, tập trung phân ủ diệt trứng giun. Ngựa có chửa cần tẩy trước khi đẻ 2 tháng. Chẩn đoán kịp thời để cách ly và điều trị những con bệnh.
Ngoài ra, cần vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống và dụng cụ chăn nuôi ngựa. Chú ý khâu nuôi dưỡng, quản lý và chăm sóc ngựa non để hạn chế bệnh.