Phòng, trị bệnh cước chân ở gia súc

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh xảy ra phổ biến vào mùa lạnh, gây hiện tượng phù nề xung quanh móng chân, bàn chân, cổ chân làm cho trâu, bò bị đau đớn không đi lại được.

Nguyên nhân

Vào mùa đông, nhiệt độ thấp dưới 100C, nền chuồng ẩm ướt, cùng với đó là trâu, bò đứng và nằm trong chuồng nuôi với thời gian dài sẽ làm chúng bị tê cóng, hệ thống mao mạch ở chân bị co lại gây trở ngại cho việc lưu thông máu. Nếu thời tiết tiếp diễn lạnh kéo dài trong 3 – 5 ngày thì hệ thống mao mạch ở chân trâu, bò bị tắc nghẽn. Đây không phải bệnh truyền nhiễm nhưng có thể xảy ra hàng loạt gây ảnh hưởng lớn đến việc cày kéo và vận chuyển. Trâu, bò giảm tăng trọng và giảm sức đề kháng, dễ gây nhiễm các bệnh kế phát.

bệnh cước ở gia súc

Phát hiện bệnh cước chân ở gia súc sớm để có biện pháp điều trị – Ảnh: MF

 

Triệu chứng

Khi bệnh ở mức độ nhẹ, trâu, bò có hiện tượng đi chậm chạp, khập khiễng không vững, có thể sưng ở một chân hoặc hai chân. Nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì bệnh sẽ trầm trọng hơn. Khi đó, chân sẽ có biều hiện phù nề, dịch xuất tiết nhiều sưng tấy, nhiều vết tím đỏ, hoặc có vết nứt da, rỉ nước màu vàng. Hệ thống mao mạch ở vùng bàn chân bị tắc làm cho vùng da xung quanh móng và bàn chân bị hoại tử dẫn đến chân trâu, bò bị nhiễm trùng kế phát khiến cho trâu, bò không đứng dậy đi lại được. Nếu vết thương bị nặng, sâu sẽ làm cho trâu, bò què nằm tại chỗ.

 

Điều trị bệnh

Nếu bệnh mới xuất hiện cần rửa sạch, lau khô chân trâu, bò, dùng gừng, riềng giã nhỏ, sao nóng cho vào túi vải rồi chườm vào chỗ sưng hoặc dùng rơm rạ, bao tải… chà xát nhiền lần vào chỗ sưng làm cho máu tụ tan ra, mạch máu lưu thông trở lại, mỗi ngày chườm 2 lần. Dùng cồn Methylxalixilate xoa vào chân trâu, bò sau khi đã rửa sạch, lau khô.

Nếu chân có chỗ bị vỡ, loét đã nhiễm trùng phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím, sau đó rắc bột Tetracyclin hoặc Sunfamid. Không để trâu, bò nằm lâu một bên sẽ gây hoại tử phần da tiếp xúc xuống nền chuồng.

Trường hợp bệnh nặng, chân có nhiều chỗ hoại tử thì cần cắt bỏ những tổ chức hoại tử, sau đó điều trị kháng sinh liên tục trong 5 – 7 ngày. Tiêm kháng sinh (Pen – Strep; Ampicillin…) theo liều lượng của nhà sản xuất. Bổ sung Cafein, Vitamin C, Vitamin B1 để tăng đề kháng cho trâu, bò. Cùng đó, cần tăng cường chăm sóc, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Giữ cho trâu, bò trên nền chuồng khô ráo, sạch và ấm.

 

Phòng bệnh

Trong quá trình nuôi, để phòng tránh bệnh xảy ra, cần thực hiện tốt các biện pháp tổng hợp, cụ thể:

Chuồng trại: Gia cố, tu sửa, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, cao ráo, sạch sẽ, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng. Dự trữ các loại chất đốt như củi, trấu, mùn cưa… để sưởi ấm cho trâu, bò (lưu ý khi đốt cần có ống khói ra ngoài để tránh ngạt). Luôn giữ chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, che chắn kín gió, giữ ấm cho gia súc và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi.

Cho trâu, bò ăn đủ khẩu phần và cân đối về dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng, cụ thể như sau: bảo đảm lượng thức ăn thô xanh 10% trọng lượng cơ thể, thức ăn tinh 1,5 – 2 kg/con (cám ngô, cám gạo, cám sắn), cho trâu, bò uống đủ nước có thể pha muối với nước ấm, lượng 25 – 30 g/con/ngày. Trồng cỏ, ngô dày, dây khoai lang trên diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất hoang để làm thức ăn. Có kế hoạch chế biến, tích trữ thức ăn cho trâu, bò khi thức ăn thô xanh khan hiếm. Một số loại thức ăn như rơm khô, cỏ khô, thức ăn ủ urê, thức ăn ủ chua (lá sắn, dây khoai lang,..)

Những ngày thời tiết giá lạnh (dưới 120C) không chăn thả trâu, bò ở ngoài trời, cần cho trâu, bò nghỉ cày kéo. Di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao, dồn chúng về chỗ nuôi nhốt để dễ kiểm soát. Dùng vật liệu giữ ấm cho gia súc như làm áo khoác bằng bao tải. Thường xuyên quan sát đi lại của trâu, bò, nếu thấy hiện tượng như đã nêu ở trên thì cần có phương pháp điều trị kịp thời để trâu, bò nhanh bình phục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *