(Người Chăn Nuôi) – Bệnh lao ở trâu bò là một loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao và thường gây tốn kém về mặt kinh tế cho người chăn nuôi vì vậy người chăn nuôi cần nắm rõ được nguyên nhân gây bệnh lao để có các biện pháp chăm sóc và điều trị hợp lý.
Phương thức truyền lây
Nguyên nhân gây bệnh lao ở bò là do trực khuẩn lao gây ra. Trực khuẩn này có sức đề kháng cao hơn so với các vi khuẩn không sinh nha bào khác, nó mẫn cảm với tia tử ngoại và sức nóng. Ở dưới ánh sáng mặt trời vi khuẩn bị tiêu diệt sau 8 giờ. Trực khuẩn lao sống được từ vài tuần đến hàng tháng ở trong đờm ẩm, sữa sống, phân gia súc, phân khô.
Các loài động vật máu nóng, máu lạnh, gia súc, thú rừng, người đều mắc bệnh. Có thể xếp thứ tự cảm nhiễm như sau: người, bò, gà, heo, chó, mèo, trâu. Mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể theo các con đường: Hô hấp; Tiêu hóa; Da và niêm mạc. Ngoài ra, bệnh lao phổi còn có thể lây truyền trực tiếp từ bò mẹ qua nhau thai, từ bò mẹ lây cho nghé con qua sữa hoặc lây qua đường phối giống.
Nên thường xuyên kiểm tra bệnh lao trên trâu, bò nuôi. Ảnh: Văn Ngọc
Triệu chứng
Thời gian nung bệnh ở trâu bò trung bình khoảng 1 tháng. Bệnh có nhiều nhóm bệnh phân biệt rõ ràng như sau:
Nhóm lao phổi: Vi trùng lao xâm nhập và cư trú ở cuống phổi, thanh – khí quản làm cho con vật thường ho khan, bò thường ho vào sáng sớm và chiều tối hay khi thời tiết lạnh. Trâu, bò khi mắc bệnh sẽ ho dữ dội theo từng cơn, da bị khô ráp, sút cân nhanh chóng, toàn bộ lông trên cơ thể dựng đứng. Thời gian sau bị rối loạn hô hấp, ho có đờm, thở hắt nhiều, niêm mạc mũi có thể bị xuất huyết…
Nhóm lao hạch: Hạch sưng, cứng, sờ thấy lổn nhổn, to bằng quả trứng gà, hạch không đau và không dính vào da, cắt hạch ra thấy có nhiều bã đậu. Các hạch hay bị lao là hạch dưới hàm, hạch hầu, hạch tuyến dưới tai, hạch trước đùi và trước vai.
Nhóm lao vú: Chủ yếu xảy ra ở những con gia súc cái lấy sữa, đặc biệt ở bò sữa năng suất cao, vú sưng, núm vú bị biến dạng, hạch vú sưng to gồ ghề, sản lượng sữa giảm. Bầu vú và núm vú bị biến dạng, sờ vào thấy hạt lao lổn nhổn, chùm hạch sưng to, cứng và nổi cục.
Nhóm lao đường tiêu hóa: Nhóm này bệnh ít gặp, thường ở các ổ lao ở ruột có thể ở gan, gia súc bị tiêu chảy thời gian dài, hết bị tiêu chảy lại bị táo bón, bò gầy hẳn đi, rối loạn tiêu hóa, có những trường hợp đi kèm triệu chứng chướng hơi dạ cỏ, niêm mạc đường tiêu hóa bị phá hủy…
Chẩn đoán
Do đặc điểm của bệnh lao, các triệu chứng thường khó phát hiện, không đặc hiệu nên trong thực tế chăn nuôi thường dùng phản ứng dị ứng Tuberculin (là phương pháp tiêm Tuberculin lên da, nếu có hiện tượng dị ứng thì trâu, bò bị nhiễm lao) để chẩn đoán hàng loạt nhằm phát hiện những con có dấu hiệu bệnh.
Tại phòng thí nghiệm, bệnh lao ở trâu, bò chủ yếu được chẩn đoán qua việc áp dụng phương pháp PCR. Trong khi đó tại trang trại, để chẩn đoán bệnh lao bò có thể sử dụng kỹ thuật POCKIT iiPCR.
Phòng bệnh
Bệnh lao phổi ở trâu, bò hiện nay có thể điều trị bằng kháng sinh kết hợp với bồi dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế việc điều trị bệnh rất tốn kém, mất rất nhiều thời gian mà gia súc hồi phục khá chậm. Mặt khác, điều trị bằng kháng sinh trong thời gian dài sẽ sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc và vi khuẩn bệnh lao có thể lây sang người. Do đó khi phát hiện gia súc bị bệnh lao cần loại ra khỏi đàn. Không dùng vaccine cho trâu, bò để phòng bệnh lao vì rất khó chẩn đoán bệnh.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh chăm sóc, nâng cao thể trạng và sức đề kháng của đàn trâu, bò. Mật độ nuôi hợp lý. Kiểm tra thường xuyên các đàn vật nuôi đàn bằng phản ứng quá mẫn muộn với Tuberculin 2 lần/năm vào mùa khô và mùa mưa.
Vật nuôi chuẩn bị nhập đàn phải nhốt riêng và trong vòng 15 ngày phải kiểm tra với Tuberculin, nếu dương tính lập tức loại ra. Định kỳ kiểm tra công nhân trong trang trại, vì bệnh lao có thể lây qua từ bò cho người và ngược lại. Đàn vật nuôi bệnh phải cách ly và được giết chậm nhất trong vòng 1 tháng. Sau đó tiến hành tiêu độc, sát trùng chuồng trại.
Bích Hòa