(Người Chăn Nuôi) – 6 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành thú y đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là công tác kiểm soát, phát hiện và phòng chống dịch bệnh, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu mà ngành nông nghiệp đề ra trong năm 2024.
Chiều ngày 11/7 tại Hà Nội, Cục Thú y tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chủ trì Hội nghị.
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 tại Cục Thú y
Dịch bệnh vẫn còn tái diễn
Báo cáo của Cục Thú y về công tác phòng chống dịch bệnh động vật cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, do đó, tạo điều kiện cho đàn vật nuôi phát triển thuận lợi (đàn heo tăng 2,9%; đàn gia cầm tăng 2,3%). Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi có chiều hướng gia tăng mạnh.
Trong đó, từ đầu năm đến ngày 10/7/2024, cả nước xảy ra 8 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 8 huyện của 7 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 13.658 con. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch giảm 33,3%, số gia cầm chết, tiêu hủy giảm hơn 27,8%. Hiện nay, cả nước có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Tiền Giang chưa qua 21 ngày.
Tính đến nay, cả nước ghi nhận 153 ổ dịch bệnh dại (tăng 13,3% lần so với cùng kỳ năm 2023) tại 34 tỉnh, thành phố; tổng số chó, mèo tiêu hủy là 404 con. Hiện nay, có 12 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 9 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Cùng đó, cả nước phát sinh 44 ổ dịch lở mồm long móng (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023) tại 25 huyện của 13 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 1.423 con (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023), số gia súc tiêu hủy là 125 con. Hiện nay, có 1 dịch bệnh tại tỉnh Yên Bái chưa qua 21 ngày.
Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Thú y, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, ghi nhận 75 ổ dịch, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023 tại 12 tỉnh. Số gia súc mắc bệnh là 445 con, số gia súc buộc tiêu hủy 96 con trâu, bò. Hiện nay, cả nước có 4 ổ dịch viêm da nổi cục tại 4 tỉnh Bắc Kạn, Hải Phòng, Gia Lai và Tiền Giang chưa qua 21 ngày.
Đáng quan tâm nhất hiện nay đó là tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi. Từ đầu năm đến ngày 10/7/2024, cả nước đã xảy ra 645 ổ dịch tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 41.742 con heo, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp ở hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, tiếp đến là các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An. Hiện, cả nước có 318 xã thuộc 76 huyện của 22 tỉnh có bệnh dịch chưa qua 21 ngày.
Lý giải về nguyên nhân khiến bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn phức tạp, đại diện Chi Cục Thú y vùng II, nơi dịch bệnh đang nổi cộm nhất cho rằng, “là do nhận thức của người dân còn hạn chế, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, người dân sử dụng chung nước sinh hoạt trong gia đình làm nước cho chăn nuôi. Thậm chí khi có dịch, người dân không báo mà vẫn có hiện tượng giết mổ bán chạy những con heo bị bệnh. Nhiều địa phương còn lơ là chủ quan, phó mặc cho hệ thống thú y cơ sở. Trong khi hiện nay, công tác tiêm phòng vaccine dịch tả heo còn thấp…”.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Liên quan đến vấn đề bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra và lây lan như hiện nay, đại diện chi Cục Thú y vùng I cho rằng, một phần là do việc tiêm phòng chưa đồng bộ, mạnh đơn vị nào thì đơn vị ấy thực hiện, thậm chí nhiều hộ dân còn không biết đến việc đã có vaccine phòng bệnh trên đàn heo.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất đưa vaccine phòng dịch tả heo châu Phi vào danh mục tiêm phòng bắt buộc. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long điều này rất khó thực hiện. Bởi, nếu đưa vào diện tiêm bắt buộc thì sẽ phát sinh thêm công tác kiểm dịch, chẩn đoán phân biệt, phát sinh thêm thủ tục hành chính rất phức tạp và thậm chí có thể mất thêm thời gian. Trong khi Luật Thú y đã quy định rõ, các thông tư, chỉ đạo của Bộ cũng đã có hướng dẫn cụ thể, các đơn vị nếu thực hiện nghiêm theo những quy trình đó thì việc phổ cập vaccine đến người dân sẽ không quá khó khăn.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh động vật.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, thời gian tới Cục sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh trên cả nước, nhất là các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, tai xanh, dại trên Hệ thống Quản lý thông tin tình hình dịch bệnh động vật (VAHIS). Tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định, đặc biệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 15/3/2024 và Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024.
Cùng đó, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 6 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật. Tổ chức triển khai hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam và theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới hướng tới xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Tiếp tục triển khai các dự án, hoạt động hỗ trợ của quốc tế và các nước như: FAO, CDC Hoa Kỳ, USDA, DTRA, PATH, WCS… về chủ động giám sát, cảnh báo và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Gần 42.000 con heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi đặt ra cho chúng ta bài toán cần phải đưa phòng, chống dịch bệnh lên ưu tiên hàng đầu. Nếu cứ để dịch bệnh bùng phát mạnh hơn thì giá heo khó được bảo vệ. Chưa đầy nửa năm nữa sẽ đến Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng rất lớn, dịch bệnh còn gay gắt là không ổn”. Thứ trưởng đề nghị các Vùng vào cuộc khẩn trương, nắm chắc địa bàn mình quản lý, thậm chí kiểm tra cụ thể xem tỷ lệ tiêm phòng hiện nay là bao nhiêu để tiêm bổ sung nếu cần.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh:“Nếu để dịch bệnh bùng phát mạnh thì giá heo khó được bảo vệ”
“Mặc dù hiện nay ngành chăn nuôi đã chuyển đổi phần lớn sang quy mô công nghiệp với sự phát triển của các tập đoàn lớn, tuy nhiên chúng ta vẫn cần bảo vệ đàn vật nuôi bằng bất cứ giá nào. Phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế cần tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức thì người dân mới thấy và làm theo”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thùy Khánh
Bài và ảnh