(Người Chăn Nuôi) – Thời gian qua, thời tiết tại Cà Mau diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài kết hợp xuất hiện nhiều cơn mưa lớn dẫn đến sự chênh lệch đáng kể nhiệt độ giữa ngày và đêm. Độ ẩm trong không khí tăng cao đã làm cho sức khỏe của đàn gia cầm suy giảm, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của môi trường, sức đề kháng giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát tán mầm bệnh dẫn đến đàn gia cầm rất dễ bị nhiễm bệnh.
Để chủ động ứng phó với sự thay đổi của thời tiết, phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe cho đàn gia cầm, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số khuyến cáo sau đây:
- Chủ động cập nhật thông tin thời tiết hàng ngày
Do diễn biến thời tiết nắng nóng, mưa, giông thất thường. Vì thế, cần chú ý thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết được thông tin trên báo, đài, trang website Khuyến nông Cà Mau để chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia cầm. Điều này rất quan trọng để đàn gia cầm tránh được sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt là gia cầm nhỏ hoặc mới nhập đàn.
- Cải tạo, nâng cấp, gia cố chuồng trại
Cần kịp thời cải tạo, sửa chữa và gia cố chuồng trại để đảm bảo cho đàn gia cầm có nơi trú ẩn tốt trong những đợt mưa lớn bất thường xảy ra.
- Tăng cường vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường xung quanh
Hằng ngày phải đảm bảo vệ sinh khu vực xung quanh chuồng nuôi và khu vực chăn thả. Khơi thông cống rãnh không để phân và chất thải ứ đọng sẽ phát sinh mầm bệnh. Cần sử dụng các chế phẩm khử mùi nhằm hạn chế mùi trong chuồng nuôi.
- Đảm bảo mật độ nuôi và chế độ vận động
Những ngày nắng nóng cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng để tạo sự thông thoáng, điều này rất quan trọng cho gia cầm nhằm hạn chế dịch bệnh trên đàn gia cầm nhất là các bệnh về hô hấp.
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng cho gia cầm
Trong thời tiết giao mùa, đàn gia cầm thường có nhiều biến đổi trong quá trình hấp thu và trao đổi chất trong cơ thể của đàn gia cầm. Việc ăn uống của gia cầm có nhiều thay đổi không bình thường. Vì vậy, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung các loại khoáng, vitamin trong khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng và luôn đảm bảo chế độ nước uống đủ, sạch cho đàn gia cầm.
- Vệ sinh và xử lý gia cầm có biểu hiện không bình thường
Nếu phát hiện gia cầm có biểu hiện không bình thường cần tách đàn cho nhốt riêng để kiểm tra, theo dõi và điều trị. Với số lượng nhỏ (một vài con) và không thấy biểu hiện lây lan thì cần cho uống thuốc trợ sức, trợ lực và tạo sự thoáng mát cho đàn gia cầm đến khi vật nuôi trở lại bình thường, khỏe mạnh thì cho nhập đàn. Trường hợp thấy đàn gia cầm có triệu chứng nặng (ho sốt, khò khè, khó thở, ủ rủ, đi lại không bình thường…) với số lượng nhiều và có biểu hiện lây lan ra toàn đàn thì cần báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để can thiệp kịp thời.
Tập trung thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại vaccine để chủ động phòng, chống dịch bệnh theo đúng lịch tiêm phòng, nhất là các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, dịch tả, grumboro… Ngoài ra, hằng ngày cần phải kiểm tra chuồng nuôi, trường hợp thấy gia cầm có những biểu hiện không bình thường cần tách đàn, cho nhốt riêng để kiểm tra, theo dõi và điều trị. Thực hiện nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn để phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời không để bùng phát trên diện rộng.
Trung tâm Khuyến nông Cà Mau