Phòng bệnh trên đàn vật nuôi trong dịch bệnh: Đừng lơ là, chủ quan

Song song với việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, nông dân Vĩnh Long vẫn tiếp tục duy trì việc sản xuất, trong đó chú trọng việc phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn hộ chăn nuôi kỹ thuật an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, nhất là trên trâu, bò.

Nguy cơ dịch bệnh trên trâu bò

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp – PTNT), trong những tháng cuối năm nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm H5N1, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng cao và khả năng xâm nhập bệnh mới vào tỉnh như bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò và cúm gia cầm H5N8 có thể ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Trong đó, một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là dịch bệnh VDNC trên trâu, bò đã xuất hiện tại nhiều tỉnh- thành. Theo nhận định, mức độ nguy hiểm của bệnh VDNC nguy hiểm không kém bệnh lở mồm long móng, khi bệnh xảy ra có thể dẫn đến thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản- cho hay: Vĩnh Long hiện có khoảng 80.000 con trâu, bò. Đến thời điểm này, trên địa bàn chưa ghi nhận ổ dịch VDNC.

Cần chủ động tiêm phòng trên đàn vật nuôi. Ảnh tuyên truyền do Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cung cấp

Tuy nhiên, do đây là loại bệnh được ngành chuyên môn đánh giá có khả năng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, nhất là trong điều kiện môi trường, thời tiết hiện nay rất dễ phát sinh bệnh.

Hiện nay bệnh cũng đã lan dần vào các tỉnh phía Nam, trong khi tỷ lệ tiêm phòng chưa nhiều, người dân chưa chủ động phòng chống dịch bệnh. Toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 10% đàn trâu, bò được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Theo ngành thú y, tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh VDNC có thể lên đến 20%, tỷ lệ chết từ 1- 5%. Đây là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra và không lây bệnh sang người.

Tuy nhiên, dịch bệnh có thể sẽ phát triển thêm và nguy cơ lây lan cao nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho biết: Thống kê trên cả nước hiện nay có hơn 1.300 ổ dịch với hơn 70.000 con trâu, bò nhiễm bệnh, trong đó có hơn 8.000 con bị tiêu hủy xảy ra ở 33 tỉnh- thành.

Một số tỉnh lân cận như: Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp,… Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng tránh bệnh này rất cần thiết, bà con nông dân cần tích cực đăng ký tiêm phòng bệnh VDNC trên trâu, bò”.

Bên cạnh bệnh VDNC trên trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cũng luôn giám sát các loại bệnh khác đã từng xảy ra trên đàn vật nuôi, có kinh nghiệm phòng chống như cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng.

Đây là những bệnh đã tồn tại nhiều năm và có khả năng xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, do trong thời gian thực hiện giãn cách nên vấn đề tuyên truyền, tiếp cận thông tin dịch bệnh của người dân cũng có phần hạn chế.

 

Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh tiêm vắc xin

Để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, tại một số địa phương, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cán bộ thú y xã đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phòng ngừa bệnh cho vật nuôi qua tin nhắn và ứng dụng mạng xã hội. Hình thức này được nhiều nông dân ủng hộ và mang lại hiệu quả tích cực.

Là một trong những xã có đàn bò phát triển mạnh của huyện Trà Ôn, hiện xã Xuân Hiệp có gần 1.000 con.

Ông Nguyễn Văn Hùng- cán bộ thú y xã Xuân Hiệp (Trà Ôn)- cho biết: “Tôi dùng mạng zalo kết nối với các hộ chăn nuôi, qua đó gửi những hình ảnh, video để hướng dẫn chăm sóc nuôi dưỡng, tiêu độc, sát trùng, tăng sức đề kháng để hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra.

Công tác tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh VDNC được địa phương quan tâm. Đến nay, hơn 20% tổng đàn đã được tiêm phòng”.

Tại Mang Thít, ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện không phát hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi, bệnh heo tai xanh và bệnh lở mồm long móng trên gia súc.

Tuy nhiên, bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm xuất hiện rải rác trên địa bàn huyện nhưng không có xu hướng lan rộng.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; chú ý công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm; tăng cường công tác tiêu độc sát trùng, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cũng đã phát hiện và xử lý hiệu quả ổ dịch xuất hiện tại một số địa phương, thực hiện vệ sinh, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, vận động người chăn nuôi tự thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, đặc biệt trong thời điểm nguy cơ tái phát bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Ông Lê Thanh Tùng cho hay: Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp- PTNT ban hành những văn bản đến các huyện- thị- thành tuyên truyền giới thiệu về bệnh VDNC trên trâu bò và cách phòng chống.

Đặc biệt, triển khai cho mạng lưới thú y cơ sở và tuyên truyền cho người chăn nuôi đăng ký ngay việc tiêm vắc xin VDNC.

Chi cục sẽ hướng dẫn thường xuyên chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi, đồng thời sẽ thực hiện 3 đợt tiêu độc khử trùng, tổ chức tiêm phòng miễn phí bệnh cúm gia cầm, tiêm phòng miễn phí bệnh VDNC trên đàn trâu, bò và tiêm phòng có một phần hỗ trợ giá của Nhà nước.

Thực tế thời gian qua cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh trên gia súc, gia cầm sẽ ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Đây cũng góp phần thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế- xã hội.

Thảo Nguyên

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *