(Người Chăn Nuôi) – Giai đoạn từ 1 ngày đến 4 tuần tuổi là thời kỳ nhạy cảm nhất trong vòng đời của gà. Lúc này, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, môi trường sống và kỹ thuật chăm sóc ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống, khả năng tăng trưởng và chi phí thú y. Do đó, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh trong 4 tuần đầu là chìa khóa quan trọng để đảm bảo thành công của cả lứa nuôi.
Chuẩn bị chuồng trại
Trước khi nhập gà con, chuồng trại cần được vệ sinh và tiêu độc triệt để. Dọn sạch phân, chất độn chuồng cũ, sau đó rửa nền chuồng bằng nước áp lực cao, tiếp theo là phun sát trùng bằng các hóa chất như formol 2%, iodine, hoặc glutaraldehyde. Thời gian trống chuồng tối thiểu 10 – 14 ngày, kết hợp phun sát trùng định kỳ 2 lần/tuần để diệt mầm bệnh.
Hệ thống chuồng úm cần đảm bảo giữ nhiệt tốt, thông thoáng nhưng không bị gió lùa. Chuồng nên lót trấu sạch dày 5 – 7 cm, được khử trùng bằng nước vôi hoặc xông hơi trước khi lót. Chuồng úm cần có đèn sưởi giữ nhiệt độ ổn định 32 – 340C trong tuần đầu, sau đó giảm dần 2 – 30C mỗi tuần.
Chuồng trại cần vệ sinh sạch sẽ, thiết bị chiếu sáng đầy đủ để có thể duy trì nhiệt độ ổn định, thích hợp. Ảnh: ST
Tiếp nhận và chăm sóc gà con đúng kỹ thuật
Khi tiếp nhận gà giống, nên cho gà nghỉ ấm 2 – 3 giờ trước khi cho ăn. Nước uống đầu tiên nên pha điện giải Glucose + Vitamin C để tăng sức đề kháng và phục hồi sức khỏe sau vận chuyển. Trong 2 ngày đầu, không nên cho ăn ngay mà chỉ cung cấp nước và một chút thức ăn tinh dễ tiêu. Sau đó, tăng dần lượng thức ăn và thay nước thường xuyên.
Cần bố trí mật độ nuôi hợp lý: 30 – 40 con/m² trong giai đoạn úm, không để quá dày dễ sinh nhiệt và phát sinh bệnh hô hấp. Kiểm tra nhiệt độ chuồng bằng cách quan sát hành vi: nếu gà tụ lại dưới đèn là quá lạnh, tản ra xa đèn là quá nóng.
Thực hiện lịch tiêm phòng
Gà con cần được tiêm phòng đúng lịch để kích thích tạo kháng thể bảo vệ trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm:
- Ngày 1 – 3: nhỏ mắt vaccine Lasota (Newcastle) lần 1 hoặc tiêm vaccine Newcastle chủng F.
- Ngày 5 – 7: tiêm vaccine Marek (nếu chưa được tiêm tại trại giống).
- Ngày 10 – 14: nhỏ vaccine Gumboro lần 1.
- Ngày 18 – 21: nhỏ hoặc uống vaccine Gumboro lần 2.
- Ngày 21 – 24: nhỏ mắt vaccine Lasota lần 2.
Ngoài vaccine, nên sử dụng các sản phẩm tăng miễn dịch tự nhiên như dịch chiết tỏi, β-glucan, các sản phẩm từ đông dược để hỗ trợ đề kháng, hạn chế phụ thuộc vào kháng sinh.
Kiểm soát dinh dưỡng và hỗ trợ đường ruột
Dinh dưỡng đầy đủ, cân đối là nền tảng giúp gà con tăng trưởng và chống lại bệnh tật. Nên sử dụng thức ăn hỗn hợp chuyên dùng cho gà con (Starter feed) giàu đạm, vitamin và khoáng chất, đảm bảo chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín.
Bên cạnh đó, việc bổ sung men tiêu hóa và probiotic giúp cải thiện hấp thu, ổn định hệ vi sinh đường ruột, phòng ngừa tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Có thể sử dụng kết hợp men sống Bacillus subtilis, Lactobacillus sp. và nấm men Saccharomyces.
Trong những ngày nắng nóng, vận chuyển, thay đổi thời tiết hoặc sau tiêm phòng, nên pha nước uống với điện giải và Vitamin C để giúp gà giảm stress và cân bằng điện giải.
Theo dõi biểu hiện bệnh sớm và cách ly kịp thời
Người nuôi cần quan sát đàn gà thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như: lười ăn, xù lông, run rẩy, khó thở, tiêu chảy… Khi thấy biểu hiện nghi ngờ bệnh, cần tách riêng con bệnh để điều trị, đồng thời kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi và bổ sung kháng sinh phổ rộng theo chỉ dẫn thú y nếu cần.
Trong 4 tuần đầu, gà con có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như: Newcastle, Gumboro, CRD, E.coli, cầu trùng. Nếu không phòng ngừa từ sớm, bệnh dễ bùng phát trên diện rộng và khó kiểm soát. Do đó, việc dự phòng, tiêm vaccine và bổ sung đề kháng phải được ưu tiên hàng đầu.
Vệ sinh chuồng trại
Máng ăn, máng uống cần rửa sạch mỗi ngày. Không để thức ăn, nước uống thừa qua đêm dễ lên men, nhiễm khuẩn. Định kỳ thay lớp độn chuồng bị ẩm hoặc vón cục để giảm sinh mầm bệnh. Phun khử trùng nhẹ 1 – 2 lần/tuần bằng các dung dịch sát khuẩn an toàn để duy trì môi trường sạch.
Hạn chế người lạ vào khu vực nuôi, người chăm sóc cần vệ sinh tay chân, thay quần áo, sử dụng ủng và sát trùng khi vào chuồng. Tốt nhất nên có lối đi riêng, rào cách ly và bể sát trùng tại cửa chuồng.
Hoàng Ngân