Từ một dịp tình cờ được tiếp cận với mô hình nuôi dế mèn Thái, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại côn trùng này, bạn Trần Duy Linh (ấp An Thái, thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình. Từ việc chăn nuôi đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình Linh.
Bén duyên nghề nuôi dế
Đến thăm gia đình Trần Duy Linh để nghe câu chuyện nuôi dế mèn Thái “làm chơi, ăn thật”. Linh cho biết, sau thời gian tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, Internet, nhận thấy mô hình phù hợp điều kiện kinh tế gia đình, vốn đầu tư không nhiều… Linh quyết định mua con giống từ hộ chăn nuôi ở thị trấn Mỹ Luông để phát triển mô hình.
Lúc đầu, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, trở ngại về quy cách chuồng trại. Do làm chuồng chưa đảm bảo nên rắn mối, kiến… vào ăn, ảnh hưởng đến số lượng đàn.
Ngoài ra, do chưa nắm rõ được quy trình chăm sóc nên dế chết, gây thất thoát khá nhiều. Không bỏ cuộc, Linh học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, đồng thời coi thêm sách, báo, phương tiện truyền thông nên việc chăn nuôi dần đi vào quỹ đạo, dế sinh trưởng và phát triển tốt, số lượng đàn ngày càng tăng…
Linh chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu trên mạng, tôi bắt đầu thiết kế lại chuồng. Theo đó, chuồng được đặt ở nơi cao ráo, thông thoáng, xung quanh được bao bằng ny-lon. Nhờ vậy, đã tránh được rắn mối, kiến và ngăn dế bay ra ngoài. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến chế độ thức ăn, nước uống và quy trình dọn vệ sinh… cho dế. Nhờ vậy, tỷ lệ thất thoát được hạn chế đến mức thấp nhất” – Linh chia sẻ.
Mô hình nuôi dế mang lại thu nhập ổn định
Theo Linh, dế là loài động vật sống thành đàn, thích nghi với môi trường tự nhiên, muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, người nuôi phải tạo môi trường hoang dã cho dế ẩn trú hoặc bay nhảy một cách tự nhiên. Trong chuồng nuôi, Linh đặt các khay trứng bằng giấy để làm nơi dế trú ẩn. Thức ăn cho dế chủ yếu là cám.
Ngoài ra, còn bổ sung thêm các loại rau, khoai mì… nhưng phải đảm bảo sạch, không quá ướt để phòng ngừa dế bị tiêu chảy. “Về nước uống, có thể sử dụng nước máy nhưng phải lắng lọc vài ngày để khử Clo. Mỗi ngày tưới phun sương khoảng 2 lần là đảm bảo” – Linh chia sẻ thêm.
Một trong những vấn đề cần lưu ý trong quá trình nuôi dế là vệ sinh môi trường. Trong một vụ cần vệ sinh ít nhất 2 lần. Công việc này không quá khó, chỉ cần thu dọn các khay qua một góc chuồng rồi tiến hành dọn phân, xác dế chết; sau đó tiếp tục với phía còn lại…
Ngoài ra, mỗi lần thu hoạch xong cần vệ sinh chuồng trại thật kỹ, loại bỏ các thức ăn thừa của dế, phân dế, xác dế chết, vỏ dế lột xác… Dế sẽ thải ra rất nhiều phân ở dưới đáy chuồng, nấm mốc trong quá trình nuôi dễ làm cho dế bị bệnh và chết hàng loạt…
Thu nhập ổn định
Với quy trình canh tác khoa học, từ 1 chuồng ban đầu, đến nay, Trần Duy Linh đã mở rộng số lượng hơn 20 chuồng, kích thước từ 2 – 6m2. Mỗi chuồng, cho từ 10 – 15kg dế. Với giá bán dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình Linh thu về lợi nhuận khoảng 500.000 đồng/chuồng.
Theo Linh, dế nuôi trong thời gian 28 – 29 ngày là có thể xuất bán. Thời điểm này dế còn nhỏ, chủ yếu là bán cho người dân làm mồi câu cá. Nếu nuôi thêm 10 – 15 ngày nữa là có thể bán cho các cửa hàng chế biến thức ăn hay làm thức ăn cho chim.
Cùng với nuôi dế thịt, Linh còn chịu khó tìm hiểu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tạo môi trường phù hợp cho dế sinh sản, nhằm chủ động nguồn con giống thay vì phải đặt mua như trước đây. “Hiểu được tập tính, chu kỳ sinh sản của dế và tìm tòi thêm qua sách báo, Internet… nên tôi đã biết cách lựa chọn những con dế to, khỏe tách riêng để cho chúng sinh sản. Nhờ vậy, tôi đã chủ động hoàn toàn về con giống, chi phí đầu tư cũng giảm so với trước” – Linh cho biết.
Hiện nay, nguồn tiêu thụ dế mèn Thái khá ổn định, chủ yếu là bán cho cơ sở chế biến thức ăn, người dân câu cá ở địa phương. Ngoài ra, Linh còn cung cấp dế thương phẩm, trứng dế trên các trang mạng xã hội… Thời gian tới, Linh dự định sẽ duy trì và phát triển mô hình, đồng thời tìm hướng đi mới để ổn định đầu ra đối với loại côn trùng này.
Thành công bước đầu từ mô hình nuôi dế mèn Thái của Trần Duy Linh đã góp phần đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Đồng thời, mở ra hướng đi mới, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, đưa cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất để phát triển, làm giàu.
Thời gian gần đây, dế mèn trở thành một trong những món ăn khoái khẩu của người dân, nhất là tại các quán nhậu. Dế có thể chế biến thành các món ăn hấp dẫn, như: Dế rang, chiên bơ, dế chiên nước mắm, dế xào sả ớt… Ngoài ra, còn cung cấp làm thức ăn cho các cơ sở nuôi chim, gà, cá cảnh hay dùng làm mồi câu cho một số cần thủ với đam mê câu cá.
Đức Toàn
Nguồn: Báo An Giang