(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi theo hướng tuần hoàn đang là xu thế ngày càng phổ biến hiện nay, giúp hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải phục vụ trong trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Vậy làm thế nào để có thể phát triển hiệu quả mô hình này?
Gốc rễ của tăng trưởng xanh
Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những chủ trương, định hướng chung của nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020.
Phát biểu tại một diễn đàn về phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết Việt Nam có hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ với tổng đàn heo đạt xấp xỉ 30 triệu con, 500 triệu con gia cầm và 12 triệu con gia súc. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành hàng này cũng gây ra áp lực lớn cho môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường vài trăm triệu tấn chất thải. Mục tiêu của chúng ta hiện nay là làm thế nào để giải quyết ổn thỏa vấn đề này nhưng phải đảm bảo 3 yếu tố: không gây ô nhiễm môi trường; không gây hiệu ứng khí nhà kính; tái sử dụng tham gia vào chuỗi tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế.
Hơn nữa, phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi đang là một xu thế tất yếu. Kinh tế tuần hoàn được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bởi theo ông Dương Tất Thắng, nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi chính là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến.
Hiệu quả nhưng chưa phổ biến
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai một số mô hình phát triển chăn nuôi tuần hoàn, trong đó có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Điển hình như mô hình chăn nuôi heo, trồng trọt theo hướng hữu cơ tại 6 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai với quy mô 2.700 con heo. Mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng trọt tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Điện Biên. Hay mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm, mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt theo hướng tuần hoàn của Công ty T&T 159 (Hòa Bình)…
Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: ST.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi Thú y – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những mô hình này đã mang lại hiệu quả nhất định, song vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực nên chưa phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng triệt để, vẫn còn tình trạng lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bản chất của pháp triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi còn chưa đầy đủ, nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên việc tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Ngoài ra, việc sản xuất và thương mại phế phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm còn chưa được quan tâm đúng mức, đa số mới chỉ dừng lại ở việc tận dụng để phục vụ trồng trọt trong gia đình…
Đi tìm giải pháp
Ông Nguyễn Việt Hoài, một nhà khoa học có nhiều sáng chế về xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, chia sẻ: Điều cần cho người nông dân đó là giải pháp để xử lý chất thải tuần hoàn. Mỗi năm chăn nuôi phát thải lượng lớn khí CO2, gây ô nhiễm môi trường và làm giảm giá trị nông sản nếu chiếu theo tiêu chuẩn quốc tế. Những yêu cầu đặt ra trong suốt chu trình nuôi đó là giải pháp để xử lý chất thải của sinh học tuần hoàn.
Quy trình xử lý chất thải chăn nuôi trong các trang trại của Vinamilk. Ảnh: ST
Trả lời cho vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam Bộ, cho rằng cần có hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế. Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. Điển hình là trùn quế, 1 tấn trùn quế có thể xử lý 30 tấn phân trong vòng một tháng. Một loài vật nuôi khác được phép sử dụng trong chăn nuôi đã được Cục Chăn nuôi công bố đó là ruồi lính đen. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 1 kg ấu trùng ruồi lính đen có thể xử lý 10 kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Bắc thì cần có tiêu chuẩn để đánh giá lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn; cần công bố kịp thời, rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật phục vụ chăn nuôi tuần hoàn. Đồng thời để đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT nên tổ chức những buổi đối thoại doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để có thể nắm bắt thông tin và điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn; các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp cùng hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
>> ThS Nguyễn Quỳnh Hoa – Cục Chăn nuôi: “Ước tính giai đoạn 2018 – 2022, mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3nước thải được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý. Đây chính là tài nguyên, nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm khác”.
Thùy Khánh