Phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới

(Người Chăn Nuôi) – Sáng ngày 3/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới. Hội nghị do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì. 

Hội nghị phòng, chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới

Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị phòng, chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới diễn ra sáng 3/4 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều sự thay đổi về cách thức tiếp cận mới trong chăn nuôi đã tác động trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi lợn của Việt Nam. Ngành chăn nuôi lợn nước ta đã và đang chuyển dịch nhanh từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học và giảm phát thải.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y thông tin về tình hình chăn nuôi lợn thời gian qua.

Chăn nuôi lợn Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội; với sự đầu tư ngày càng lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp về quy mô chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nước và quốc tế, các công nghệ quản lý hiện đại về hệ thống chuồng trại và quản lý quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh và quản lý môi trường chăn nuôi; cùng với đó các chiến lược kinh doanh thông minh có phân tích, dự báo. 

“Hiện nay, chăn nuôi nông hộ đang có xu hướng giảm mạnh (15 – 20%/năm) và chuyển dịch dần sang chăn nuôi chuyên nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và quản lý tốt môi trường. Những xu hướng thay đổi này không chỉ giúp chăn nuôi lợn của Việt Nam tăng về năng suất và chất lượng mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro và tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời cải thiện phúc lợi xã hội, phúc lợi động vật”, ông Đăng chia sẻ. 

Thống kê năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi của Việt Nam đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 5,18 triệu tấn, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng thịt các loại. Việt Nam đứng thứ 4 trong top 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.

Về tình hình dịch bệnh, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, 3 tháng đầu năm nay, các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, số tỉnh có dịch tả lợn châu Phi giảm hơn 57%, số ổ dịch giảm hơn 72%, số lợn chết và tiêu hủy giảm gần 80%); tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, ước đạt từ 5,2 – 5,5%, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Minh, nguy cơ dịch bệnh gia tăng trên đàn lợn nuôi trong thời gian tới vẫn cao. 

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y lưu ý người chăn nuôi về nguy cơ dịch bệnh thời gian tới.

Về thị trường, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa nhận định, dù đã qua cao điểm tiêu thụ nhưng giá thịt lợn vẫn tăng mạnh, đến đầu tháng 3/2025 giá lợn hơi ở mức 75.000 – 80.000 đồng/kg, tăng từ 15 – 18% so với đầu tháng 01/2025. Trong tháng 3/2025, mức giá đỉnh xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai là 83.000 đồng/kg (từ ngày 06/3/2025). Đây cũng là mức giá cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 3, giá đã chững lại và có xu hướng giảm. 

Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa

Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa nhận định tình hình giá cả và tiêu thụ thịt lợn thị trường.

Đơn vị này dự báo, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu và sản lượng đều gia tăng, trong đó chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chủ lực của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đã cùng thảo luận về một số khó khăn, thách thức trong chăn nuôi lợn hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển bền vững thời gian tới. 

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, bên cạnh tăng trưởng, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. Giá thịt lợn đã có thời điểm tăng mạnh tới 82%, trái với quy luật thường thấy sau Tết. Nếu như trước đây, người chăn nuôi thường có tâm lý bán hết lợn trước Tết vì lo giá giảm, thì năm nay, giá thịt lợn sau Tết lại tăng cao. Đây là một diễn biến bất thường cần được theo dõi chặt chẽ để có giải pháp điều chỉnh kịp thời.

“Trong bối cảnh Mỹ áp thuế và việc sáp nhập đơn vị hành chính đang được triển khai, tôi đề nghị các địa phương không để xảy ra tình trạng bỏ trống vùng chăn nuôi. Hiện nay, ngành chăn nuôi đóng góp khoảng 33 tỷ USD, đứng thứ 5 trong tổng GDP toàn ngành nông nghiệp. Để phát triển bền vững, ngành phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng con giống và thức ăn chăn nuôi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng 5,92%, quý 1 vừa qua, mức tăng trưởng đạt 4,5%. Tuy nhiên, diễn biến thị trường hiện tại đang có nhiều bất ổn, giá lợn sau Tết không giảm mà lại tăng, trái với xu hướng thông thường. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc theo dõi sát sao thông tin thị trường, kiểm soát chặt chẽ đàn vật nuôi để có biện pháp điều tiết phù hợp.

Ngoài ra, việc phát triển giết mổ tập trung và đảm bảo an toàn thực phẩm cũng cần được đẩy mạnh. Hiện cả nước có 24.600 cơ sở giết mổ, nhưng chỉ hơn 100 cơ sở được tổ chức theo mô hình tập trung. Đây là vấn đề cần tiếp tục cải thiện để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, xúc tiến thương mại.

“Chúng ta đã xây dựng nhiều đề án phát triển ngành, nhưng cần rà soát để xác định nội dung nào ưu tiên triển khai trước, nội dung nào mang tính dài hạn. Việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp ngành nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng bền vững trong thời gian tới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo. 

Thùy Khánh

Bài và ảnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *