(Người Chăn Nuôi) – Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thịt bò của người dân ngày càng tăng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam thời gian tới.
Hiện trạng “cung chưa đủ cầu”
Trong 9 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi bò phát triển ổn định, tổng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả nước mới đạt 373 nghìn tấn (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022). Mặc dù tăng trưởng ổn định nhưng tính bình quân cả năm lượng thịt bò mới chỉ đáp ứng được khoảng 45 – 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thịt bò từ một số thị trường nước ngoài.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay, mỗi năm một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 65 – 68 kg thịt hơi các loại và lượng tiêu thụ thịt bò còn ở mức rất thấp, khoảng 7 – 8 kg/người. Mức tiêu thụ này mặc dù cao hơn nhiều nước trong khu vực châu Á, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với các nước có nền kinh tế phát triển.
Hiện trạng phát triển chăn nuôi đàn bò thịt ở Việt Nam từ năm 2018 – 2022.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chỉ ra một số khó khăn, thách thức khiến chăn nuôi bò thịt ở nước ta chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng: Tỷ suất đầu tư cho chăn nuôi bò thường khá lớn, chu kỳ sản xuất dài trong khi thời gian thu hồi vốn lại chậm; Chăn nuôi bò theo chuỗi liên kết hiện nay còn chiếm tỷ trọng thấp, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Ngoài ra, Việt Nam không có lợi thế về diện tích chăn thả, việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đưa lợi thế gắn liền với mục tiêu
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có bò thịt, như: Hành lang pháp lý về quản lý ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, có tính hội nhập cao. Doanh nghiệp lớn đầu tư vốn, công nghệ và năng lực quản trị vào ngành chăn nuôi ngày một nhiều. Hội nhập kinh tế tạo cơ hội cho chăn nuôi bò tiếp cận được những công nghệ mới về giống, thức ăn, phương thức quản lý. Nhu cầu trong nước về sản phẩm gia súc ăn cỏ tăng nhất là đối với thịt bò. Những năm gần đây, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi, tăng tỷ trọng thịt bò (trung bình 3,63%/năm), thịt gia cầm (10,66%/năm) và giảm tiêu thụ thịt heo (0,76%/năm).
Chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Đến năm 2030, đàn bò thịt ổn định ở quy mô từ 6,5 – 6,6 triệu con; trong đó, khoảng 30% được nuôi tại trang trại. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5,0 – 5,5 triệu tấn, trong đó, thịt gia súc ăn cỏ từ 10 – 11%.
Chăn nuôi bò theo mô hình tuần hoàn của Tập đoàn Trường Hải. Ảnh: ST
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế ngành chăn nuôi; Cần có giải pháp điều chỉnh về quy hoạch vùng chăn nuôi; Tăng cường kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi; Đảm bảo gắn kết giữa sản xuất với thị trường; Đẩy mạnh cải tạo đàn bò địa phương; Ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông trong chăn nuôi; Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ.
Theo kế hoạch, năm 2024, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, sữa) cho tiêu dùng xã hội, xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi tiềm năng.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục chương trình cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hóa trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo. Chọn lọc trong sản xuất các giống bò Zebu, bò sữa cao sản và nhập nội bổ sung một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái trong nước, phục vụ lai tạo giống bò sữa và bò thịt chất lượng cao, cung cấp bê đực cho nuôi vỗ béo bò thịt. Đồng thời, nhập bổ sung tinh bò thịt cao sản, bò sữa năng suất cao và một số bò đực cao sản để sản xuất tinh trong nước…
Thùy Khánh