Tuyên Hóa (Quảng Bình) là huyện miền núi nên đời sống kinh tế-xã hội của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển kinh tế đã giúp người dân Tuyên Hóa từng bước thoát nghèo bền vững.
Năm 2021, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính tri ̣cùng với những nỗ lực thoát nghèo từ phía người dân, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngay từ đầu năm, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được huyện triển khai đến các đối tượng thụ hưởng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.
Nhiều mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm hiệu quả đã được địa phương khuyến khích phát triển, nhân rộng, trong đó, các mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi đã phát huy được lợi thế của vùng miền. Tính đến giữa tháng 12/2021, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản của huyện Tuyên Hóa đạt 650 tỷ đồng (chiếm 17%); giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 305 tỷ đồng (chiếm trên 53,5% giá trị sản xuất nông nghiệp).
Nhờ chú trọng nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo huyện Tuyên Hóa giảm đều qua các năm.
Mô hình chăn nuôi bò lai lấy thịt của gia đình ông Phạm Xuân Đằng (thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa) là một trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả. Với sự nỗ lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương, hiện gia đình ông Đằng đang nuôi 6 con bò lai lấy thịt chuẩn bị xuất chuồng. "Tôi là 1 trong 12 thành viên của tổ hợp tác chăn nuôi bò lai của thôn Đại Sơn.
Được sự hỗ trợ nuôi bò lai từ chương trình giảm nghèo của huyện Tuyên Hóa, xã Đồng Hóa đã thành lập tổ hợp tác. Các thành viên của tổ phân chia nhau, có hộ đăng ký nuôi bò sinh sản, có hộ nuôi bò lấy thịt và hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Người nuôi bò sinh sản, khi bò đẻ sẽ nuôi một thời gian và bán lại cho các thành viên nuôi bò lấy thịt.
Chính quyền xã Đồng Hóa đã tạo điều kiện cấp đất trồng cỏ cho các gia đình chăn nuôi. Bò ở đây có nguồn thức ăn dồi dào, nên chất lượng thịt được thị trường tin dùng. Vì thế, những gia đình chăn nuôi bò lai từ chỗ khó khăn nay vươn lên thành hộ khá của địa phương", ông Đằng cho biết.
Chia sẻ về lợi ích cũng như định hướng làm kinh tế từ mô hình chăn nuôi này, ông Cao Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết: "Hiện tại, xã tập trung các đề án phát triển kinh tế, trong đó có nuôi bò lai. Mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có cơ hội phát triển kinh tế. Đây là một hướng xóa đói giảm nghèo mà xã sẽ nhân rộng trong thời gian tới."
Không chỉ phát triển chăn nuôi, những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã khai thác tiềm năng về đất đai để phát triển mô hình vườn đồi. Nhiều mô hình trồng cây với quy mô lớn đã được đầu tư một cách bài bản, vừa tận dụng lợi thế đất đai vừa tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Hiện nay, nhiều người nông dân ở huyện Tuyên Hóa đã biết trồng cây theo chuỗi giá trị hàng hóa. Chất đất vườn đồi của Tuyên Hóa rất phù hợp để trồng các loại cam, bưởi… Dù mới đầu tư trồng thử nghiệm nhưng kết quả thu hoạch tại các trang trại cho thấy chất lượng các loại bưởi, cam trồng tại các vườn đồi Tuyên Hóa rất ngon. Đó cũng là lý do mà ông Nguyễn Hải Khẩn, ở thị trấn Đồng Lê quyết định cải tạo 4ha trồng rừng keo để trồng bưởi.
Phát huy thế mạnh về đất đai và nguồn nhân lực tại chỗ, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi để có nhiều nguồn thu nhập khác nhau.
Từ những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, huyện Tuyên Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng công tác giảm nghèo của huyện Tuyên Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Những mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế đã góp phần giúp số hộ nghèo của huyện giảm còn 1.263 hộ (chiếm 5,07%), giảm 1,65% so với đầu năm; số hộ cận nghèo giảm còn 1.439 hộ (chiếm 5,78%), giảm 1,16% so với đầu năm…
>> Năm 2021, tổng kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Tuyên Hóa là gần 198 tỷ đồng. Trong năm 2022, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2%, đồng thời hạn chế hộ tái nghèo. |
Hiền Phương
Nguồn: Báo Quảng Bình