Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị là những nội dung đã được triển khai từ lâu nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, tiến tới sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nâng cao giá trị. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện tại thị xã Bình Long nói riêng và Bình Phước nói chung vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế.
Điển hình như đầu ra cho gà thả vườn chủ yếu phụ thuộc thương lái, không có hợp đồng cố định nên giá cả luôn bấp bênh và ở mức thấp làm cho người chăn nuôi không yên tâm đầu tư. Qua nghiên cứu, tìm hiểu và chia sẻ với một số địa phương, hợp tác xã (Đồng Nai, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh) đã thực hiện rất thành công việc sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng và một số doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ, chúng tôi thấy rằng “nút thắt” đầu ra và chuỗi giá trị từ nuôi gà thả vườn tại Bình Long và các huyện, thị trong tỉnh gặp một số khó khăn sau:
Thứ nhất là chưa có giấy chứng nhận vùng, cơ sở, trang trại an toàn dịch bệnh; chứng nhận chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt).
Thứ hai là đầu tư cho chăn nuôi còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Người chăn nuôi vẫn phát triển tự phát là chính, mạnh ai nấy làm tùy điều kiện kinh tế của từng hộ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm đồng nhất về kích cỡ, mẫu mã, chất lượng, số lượng.
Thứ ba là thời gian qua, người chăn nuôi mới chỉ chú trọng số lượng, năng suất mà chưa quan tâm đến chất lượng, an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, không ghi chép nhật ký quy trình chăn nuôi đầy đủ, rõ ràng để tạo chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Xem nhẹ các quy định, quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học VietGAHP.
Thứ tư là đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, người chăn nuôi chỉ sản xuất theo những gì mình có, thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ yêu cầu cần sản phẩm như thế nào, như giống gà, kích cỡ, tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học, giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thức ăn không có kháng sinh, hoóc môn, chất tăng trưởng trước khi xuất bán…
Mô hình nuôi gà thả vườn ở ấp 3, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) – Ảnh: Cẩm Liên
Để nghề nuôi gà thả vườn được duy trì, phát triển và có đầu ra ổn định, theo tôi cần thực hiện cấp bách một số giải pháp sau:
* Đối với nhà nước
Cần hỗ trợ người chăn nuôi trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo Quyết định số 440/2015/BNN-TY ngày 3-2-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Đề án “Xây dựng thí điểm vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các tỉnh miền Đông Nam bộ, bao gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh giai đoạn 2015-2020”, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học VietGAHP theo Quyết định số 4653/2015/BNN-PTNT ngày 10-11-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện quy trình VietGAHP trong chăn nuôi gà. Đây cũng là yêu cầu, điều kiện tiên quyết của các công ty, doanh nghiệp thu mua sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh.
Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để kêu gọi, mời chào các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.
Xây dựng được các điểm, cửa hàng cung ứng hàng nông sản an toàn đảm bảo vệ sinh (rau, thịt heo, gà) điển hình để người tiêu dùng phân biệt, nhận biết được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm với các loại sản phẩm trôi nổi không có nguồn gốc khác. Có cơ chế, biện pháp pháp lý để tạo áp lực sử dụng sản phẩm sạch, an toàn đến người kinh doanh; người kinh doanh tạo áp lực về nhu cầu đối với người sản xuất. Từ đó tạo nên chuỗi sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn.
Tích cực thông tin tuyên truyền về việc sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm sạch, an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
* Đối với người chăn nuôi
Nông dân phải hiểu được thị trường cần gì để đáp ứng. Thay đổi thói quen, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát để tiến tới chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Tham gia các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Thực hiện nghiêm quy chế, luật, điều lệ do các tổ chức quy định nhằm tạo sự đồng nhất đầu vào, đầu ra của sản phẩm, cũng như tạo sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong sản xuất.
Trong chăn nuôi, cần áp dụng và thực hiện tốt tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới, đảm bảo quy trình vệ sinh thú y, phòng trị bệnh, các tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAHP và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã phải năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới cách quản lý, tổ chức, điều hành. Công khai, minh bạch, dân chủ trong mọi hoạt động, hướng lợi ích về các thành viên.
Muốn chăn nuôi gà thả vườn ổn định và phát triển, không còn cách nào khác là các ngành liên quan và người chăn nuôi phải quan tâm, thực hiện tháo gỡ những nút thắt trên. Có như vậy thì mục tiêu tái cơ cấu ngành, chương trình nông thôn mới, nâng cao thu nhập, chăn nuôi theo chuỗi giá trị mới đảm bảo thành công.
Nguyễn Thị Hạnh – Trạm Khuyến nông Bình Long
Nguồn: Báo Bình Phước