Cách nay 2 năm, anh Trần Hữu Phước- ấp Hiếu Thủ, xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) đi tham quan mô hình nuôi thỏ lai từ những người bạn rồi bắt tay nuôi thử nghiệm 20 con thỏ mẹ, mô hình này giúp anh có tiền “bỏ túi liền tay” vì thỏ là loài mắn đẻ.
Theo anh Phước, thỏ là loài vật rất dễ nuôi, chúng có khả năng sinh sản nhanh chóng – có thể đẻ mỗi tháng, nên chúng giúp cho hộ chăn nuôi gia tăng số lượng đáng kể chỉ trong thời gian ngắn. Người có điều kiện đầu tư nuôi nhiều sẽ “nuôi không xuể luôn”- anh Phước cười tươi và cho biết: “Chỉ cần nuôi từ 50 – 60 con thỏ mẹ là thu nhập rất cao”.
Để dưỡng cho đàn thỏ phát triển bền vững, mỗi năm anh Phước chỉ cho thỏ đẻ khoảng 6 lứa, vì đẻ liên tục thỏ sẽ bị kiệt sức. Nếu tính bình quân, 1 con thỏ mẹ đẻ 6 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 7 con thì mỗi con thỏ mẹ có thể đẻ khoảng 42 thỏ con/năm.
Nhờ nuôi thỏ, đời sống kinh tế của anh Phước và các hộ chăn nuôi được cải thiện đáng kể.
Từ hiệu quả mô hình mang lại, anh Phước đã vận động bà con nông dân cùng nuôi rồi thành lập tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi thỏ với 18 thành viên, mỗi hộ nuôi từ 20 – 40 con.
Tổ nuôi thỏ luôn được Hội Nông dân xã Hiếu Nhơn “sát cánh” hỗ trợ, phối hợp tổ chức mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi thỏ, giúp cho các thành viên, nông dân nắm bắt kỹ thuật, áp dụng vào mô hình chăn nuôi hiệu quả.
Thông thường, thỏ con được 30 – 60 ngày tuổi là có thể tách những con đực khỏe mạnh ra để nuôi lấy thịt, còn những con cái sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng để nhân giống.
Khi thỏ đủ 5- 6 tháng tuổi là có thể cho nhân giống. Đối với thỏ nuôi lấy thịt thì khi thỏ khoảng 3 tháng tuổi là có thể xuất bán. Chủ yếu là bán cho thương lái trong tỉnh và ở TP Cần Thơ.
Anh Phước cho biết: Đầu ra của thỏ hiện rất dễ bán vì cung không đủ cầu. Với giá bán 100.000 đ/kg, trừ chi phí người nuôi lời khoảng 50.000 đ/kg. Có thời điểm giá bán giảm xuống còn 50.000 – 70.000 đ/kg thì vẫn đảm bảo cho người chăn nuôi có lời.
Sở dĩ nói thỏ là loài vật rất dễ nuôi, bởi thỏ có thể ăn khá nhiều loại thức ăn khác nhau mà không tốn kém chi phí chăm sóc.
Thức ăn cho thỏ chủ yếu là nguồn phụ phẩm nông nghiệp, các loại rau, củ có sẵn tại vườn. Tranh thủ thời gian rảnh, anh Phước đi cắt cỏ trữ 2 – 3 ngày rồi… đi làm chuyện khác. Ngoài cho thỏ ăn rau, cỏ, anh còn bổ sung thêm thức ăn chăn nuôi để thúc thỏ mau lớn.
“Nhờ phát triển thêm các mô hình chăn nuôi thỏ mà đời sống của các thành viên trong tổ có nhiều chuyển biến”- anh Phước nói. Nhằm tối ưu hóa lợi nhuận từ mô hình chăn nuôi, anh còn đầu tư nuôi cá và tận dụng thức ăn vụn của thỏ để cho cá ăn.
Bài, ảnh: Xuân Tươi
Nguồn: Báo Vĩnh Long