Những năm gần đây, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Đến xã Phú Nhuận hỏi thăm gia đình chị Hàn Thị Lý thì không ai xa lạ, bởi chị là một trong những người tiên phong, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình con nuôi đặc sản trên địa bàn. Sau thời gian tham khảo các mô hình nuôi nhím đã thành công ở các tỉnh và nghiên cứu qua sách, chị Lý đã đầu tư mua 3 đôi con giống, xây dựng chuồng trại để nuôi thử nghiệm. Trong quá trình nuôi, chị Lý nhận thấy nhím là loài động vật còn nhiều bản năng hoang dã nên có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường sống, ít bị dịch bệnh, nhẹ công chăm sóc, có thể vừa làm nghề khác vừa tranh thủ nuôi nhím để nâng cao thu nhập. Trung bình mỗi ngày 1 con nhím trưởng thành cần khoảng 2 kg thức ăn; thường là các loại rau, củ như bí đỏ, bí xanh, rau muống… Đây là thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng, cung cấp nhiều đường, kích thích hệ tiêu hóa của nhím; đồng thời, để nhím có sức đề kháng, tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh, chị sử dụng thêm men vi sinh trộn vào thức ăn để cho nhím ăn hằng ngày.
Mô hình nuôi nhím của gia đình chị Hàn Thị Lý, xã Phú Nhuận (Như Thanh).
Đưa chúng tôi đi thăm khu chuồng nuôi, chị Lý cho biết khi quyết tâm mở rộng mô hình, điều quan tâm nhất đó là môi trường nuôi sạch, không bị ô nhiễm, vì vậy, tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng khu chuồng với 60 ô nuôi ở nơi ít gió và ánh nắng trực tiếp, cố định lồng nuôi bằng khung sắt; có rãnh thoát nước và luôn bảo đảm nền chuồng sạch sẽ, khô thoáng; mùa hè tắm cho nhím kết hợp với việc rửa sạch chuồng; định kỳ phun thuốc diệt khuẩn khu vực chuồng trại. Trong quá trình nuôi, chị Lý nhận thấy nhím có hiện tượng thay lông chủ yếu vào cuối tháng 1, 2 và kéo dài đến tháng 4, 5; khi lông cũ bạc màu và khô sẽ rụng đi; lông mới mọc lên nhanh chóng, bảo đảm cho bộ lông của nhím luôn ở trạng thái nguyên vẹn.
Trong điều kiện nuôi nhốt, được chăm sóc thường xuyên, nhưng với bản năng hoang dã vẫn tồn tại, nhím thường sinh sản theo mùa, tập trung vào 2 thời điểm đó là từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm và mỗi lần sinh từ 1 đến 3 nhím con; nuôi nhím khoảng từ 2 đến 3 tháng thì xuất giống; nhím con từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành và lên giống sinh sản từ 8 đến 12 tháng. Tuy dễ nuôi nhưng sinh trưởng của nhím chậm hơn các loại vật khác; sau 7 đến 8 tháng, khi nhím có trọng lượng trung bình khoảng 10kg mới có thể xuất bán nhím thương phẩm. Hiện nay, giá 1kg nhím thương phẩm khoảng 300 nghìn đồng; nhím giống có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng/đôi. Cũng theo chị Lý, để ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị đã chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn tại địa phương và một số địa phương lân cận. Từ thành công bước đầu, chị Lý hiện vẫn tiếp tục mở rộng quy mô và tăng số lượng đàn nhím lên 130 con để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thương lái, doanh thu mỗi năm của gia đình chị khoảng 1 tỷ đồng. Thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Lý đã vận động nhiều hộ dân trong xã nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời, sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím và cung cấp con giống cho những ai có nhu cầu.
Ông Ngô Xuân Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, cho biết: Mô hình nuôi nhím không nhiều vốn đầu tư, thời gian chăm sóc phù hợp với chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ. Vì vậy, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này, bên cạnh đó việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của chăn nuôi nói chung và chăn nuôi nhím nói riêng, từ đó, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa