Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) TX An Nhơn (Bình Định), hiện trên địa bàn thị xã có 41 trang trại/gần 43.000 con, hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn (500 – 1.500 con) tập trung ở các xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc. Gần đây, các trang trại, gia trại chuyển dần sang nuôi heo theo hướng an toàn sinh học với chi phí đầu vào vừa phải, đảm bảo lợi nhuận và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y thuộc Trung tâm DVNN TX An Nhơn, cho hay, sau nhiều đợt dịch bệnh một số hộ chăn nuôi đã chuyển dần sang mô hình chăn nuôi mới, phù hợp với điều kiện kinh tế; đồng thời giảm gây ô nhiễm. Xuất phát từ đó, Trung tâm tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để người chăn nuôi chuyển đổi phù hợp, đặc biệt là chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi khép kín, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Điểm ưu việt của mô hình chăn nuôi mới là suất đầu tư không quá cao, vượt tầm đầu tư của các hộ; sử dụng đệm lót sinh học giảm thiểu ô nhiễm, từ đó hạn chế nguy cơ dịch bệnh cho đàn vật nuôi, giảm sức ép do biến động thị trường.
Năm 2018, ông Huỳnh Tiến Thảo, chủ một trang trại chăn nuôi heo ở thôn Nam Tượng 2, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn chuyển từ chăn nuôi kiểu cũ sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trong quá trình này, ông Thảo được dự các khóa tập huấn, hướng dẫn, trao đổi trực tiếp với cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y. Hiện, gia đình ông Thảo có 2 trang trại nuôi heo nái (30 con) và heo thịt (300 con), chủ động được con giống, từ đó ổn định chất lượng heo thịt.
Nhờ chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình ông Huỳnh Tiến Thảo duy trì được đàn heo ổn định trong dịp cuối năm. Ảnh: Thu Dịu
Ông Thảo cho hay: Chi phí nuôi heo theo hướng an toàn sinh học giảm 15% so với thông thường. Việc chủ động được con giống góp phần giúp giảm chi phí đầu vào nhưng quan trọng hơn là mình nắm chắc chất lượng con giống, giảm nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa khi nuôi theo phương pháp mới nếu cần mình vẫn có thể kéo dài thời gian nuôi, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Những yếu tố này rất quan trọng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, chi phí thức ăn tăng cao mà giá heo lại giảm sâu…
Tương tự, ông Trần Thanh Tuất ở xã Nhơn Tân đã đầu tư lớn để chuyển từ trang trại hở sang trại kín, đảm bảo an toàn sinh học. Ông Tuất nuôi 865 con heo, trong đó có 150 heo nái. Việc chuyển đổi mô hình giúp gia đình ông giảm chi phí, hạ bớt mức rủi ro phát sinh dịch bệnh, chủ động được con giống. “Áp lực lớn nhất của người chăn nuôi trong những năm gần đây là nguy cơ đe dọa do bệnh dịch và giá cả thị trường biến động. Nhờ chủ động được con giống – một trong những hạng mục chiếm tỷ lệ vốn đầu tư khá lớn – chi phí đầu vào được giảm xuống đáng kể, tôi có thể linh hoạt tính toán đến việc tái đàn phù hợp” – ông Tuất cho biết.
Theo ông Ngô Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm DVNN TX An Nhơn, việc chuyển đổi hướng chăn nuôi mới đòi hỏi sự đầu tư, chịu khó và cả tư duy dám thay đổi của người chăn nuôi. Để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không khó, đầu tư cũng không lớn, tuy nhiên điểm cốt lõi là người chăn nuôi phải chịu thay đổi, từ bỏ tính đại khái, chiếu lệ. Trong bối cảnh dịch bệnh liên tục, giá heo hơi bấp bênh, để đảm bảo tái đàn và đảm bảo nguồn cung thực phẩm, chúng tôi sẽ chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chuyển hướng phù hợp.
Thu Dịu
Nguồn: Báo Bình Định