Sở hữu đàn heo rừng hơn 160 con, anh Nguyễn Tấn Đạt (33 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thả nuôi trong vườn trồng mít, vú sữa rộng 2.000 m2 sau nhà, đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn mít, vú sữa đang kỳ thu hoạch sum suê trái, anh Đạt tận dụng những trái mít dạt để làm thức ăn cho heo rừng. Nhờ đó heo rừng lớn nhanh, thịt ngon hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Để có kinh nghiệm và am hiểu đặc tính, quá trình sinh trưởng của heo rừng, anh phải mất nhiều thời gian đến từng trại học hỏi và đúc rút kinh nghiệm mới thành công nuôi theo kiểu bán hoang dã trong vườn trái cây.
Anh Đạt thả nuôi heo rừng theo kiểu bán hoang dã trong vườn trái cây của gia đình.
Anh Đạt tốt nghiệp ngành Ngữ văn của một trường đại học ở tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, vốn có “máu” làm nông, lại yêu thích làm giàu từ trồng trọt, chăn nuôi trên chính mảnh đất quê nhà nên anh cất công đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các trang trại ở miền Tây, dần dần tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật… “Sau khi tốt nghiệp, không như các bạn đi xin việc làm, tôi kiên trì theo đuổi đam mê riêng. Ban đầu, tôi trồng dưa lưới, trồng rau thủy canh. Để có thêm kinh nghiệm về chăn nuôi, tôi hợp tác với 2 người bạn để nuôi heo rừng”, anh Đạt kể. Năm 2016, thấy mô hình nuôi heo rừng tiềm năng phát triển, lại thấy sẵn có vườn nhà rộng rãi nên anh quyết định về quê nuôi heo rừng theo mô hình bán hoang dã, cho ăn thức ăn có sẵn có tại vườn và dễ tìm mua tại địa phương như khoai, mít, ổi, bã đậu nành… Ban đầu, anh chỉ nuôi hơn 20 con. Nhờ kinh nghiệm tích lũy được, anh áp dụng vào quá trình chăn nuôi, thấy đàn heo phát triển tốt, cho sinh sản, anh quyết định đầu tư thêm con giống. Anh Đạt chia sẻ, để thịt heo được ngon, săn chắc phải nuôi theo kiểu bán hoang dã để heo chạy nhảy. Tuy nhiên, vào mùa mưa phải nuôi nhốt heo trong chuồng để tránh bị ký sinh trùng ngoài da. Heo rừng tuy có sức kháng bệnh mạnh, nhưng phải phòng bệnh thường xuyên bằng vaccine để heo phát triển khỏe mạnh. Về chế độ ăn, không nên cho heo ăn thức ăn công nghiệp mà cần tăng cường rau củ quả.
“Trước giờ người nuôi cứ đinh ninh rằng heo rừng mạnh nên ít ai nghĩ loài này cũng thường hay bệnh nên phải chích vaccine phòng bệnh từ nhỏ. Về chế độ cho ăn, nhiều người nghĩ nuôi heo rừng nhà có gì cho ăn nấy. Nhưng để nuôi heo rừng đạt hiệu quả phải có quy trình riêng, có chế độ ăn hợp lý kết hợp từ bã đậu nành, rau, củ, xác bia để cân đối dinh dưỡng cho heo phát triển đồng đều”, anh Đạt cho biết.
Theo anh Đạt, việc nuôi heo rừng trong vườn trái cây có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, giúp heo vận động để thịt săn chắc. Thứ hai, heo ăn các loại trái cây chín rụng khi thu hoạch không kịp hoặc thời điểm giá rẻ. Ba là, nguồn phân thải từ heo giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho các loại cây, giúp hạn chế chi phí tái đầu tư. Đặc biệt là đàn heo rất ít bị bệnh. Heo rừng từ lúc thả nuôi đến xuất bán mất khoảng 6 tháng. Heo nuôi từ 9 – 12 tháng sẽ bắt đầu sinh sản. Heo nuôi sinh sản 2 đợt mỗi năm, mỗi lứa đẻ 6 – 10 con. Hiện, anh cung ứng cả con giống và heo rừng thịt ra thị trường. Heo thương phẩm được anh cung ứng ra thị trường có giá từ 130.000-150.000 đồng/kg, heo giống giá 180.000 đồng/kg.
“Do trại chú trọng uy tín, chất lượng nên tôi chỉ bán heo giống khi mỗi con đã đạt từ 20 kg trở lên để người mua dễ nhận biết heo rừng chất lượng, không bị lai. Do ở miền Tây heo rừng đã bị lai rất nhiều nên mục tiêu của tôi là phải làm ra con giống tốt nhất để bán. Heo rừng phải hơn 20kg mới có thể dễ dàng nhìn bằng mắt thường xem ngoại hình hung dữ, lông lá nhiều là đúng chuẩn”, anh Đạt cho hay. Trung bình 1 năm anh Đạt xuất bán từ 600-800 heo rừng giống. Mỗi năm anh có thu nhập gần 300 triệu đồng tiền bán heo rừng giống và heo thương phẩm.
Hiện các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh miền Tây nhập heo rừng của anh Đạt rất nhiều. Anh cũng có cửa hàng cung ứng heo rừng ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Sắp tới, anh dự tính tăng đàn, phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Nguồn: Báo Cần Thơ