Những năm gần đây, cùng với việc phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, người dân đã kết hợp nuôi giun quế để làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, phân của giun quế cũng có thể làm phân bón cho cây trồng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển của cây, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình nuôi giun quế đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Giun quế là thức ăn sạch, bổ sung nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, chứa tới 70% là protein ở dạng thô, có yếu tố kích thích sự sinh trưởng tự nhiên của gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, giá thành đầu tư nuôi giun quế để làm thức ăn trong chăn nuôi rẻ hơn so với chi phí thức ăn công nghiệp. Tại trang trại tổng hợp xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), chị Nguyễn Thị Hoan, chủ trang trại cho biết: Giun quế là động vật dễ thích ứng với môi trường và có tốc độ sinh sản nhanh. Nguồn nguyên liệu nuôi giun được tận dụng ngay ở trang trại như phân gia súc, rơm rạ, thân cây ngô… Theo chị Hoan, giun quế rất sợ ánh sáng, vì vậy, mỗi chuồng nuôi rộng từ 3 đến 5 m2 phải lót bạt ở trên và có mái che cách mặt luống khoảng 1m. Chuồng giun cần được tạo độ ẩm 75 đến 80%, nhiệt độ từ 20 đến 28 độ C, vì vậy mỗi ngày cần phun nước từ 1 đến 2 lần. Nuôi giun quế không tốn nhiều công chăm sóc, do đó mô hình rất dễ nhân rộng, ai cũng có thể học tập kinh nghiệm. Hiện nay, giun quế tại trang trại của chị Hoan chủ yếu làm thức ăn trực tiếp cho gà hoặc phối trộn giun quế với các loại cám ngô, gạo, bột đậu tương… để ép thành cám viên tự chế. Phân gà làm thức ăn cho giun, giun làm thức ăn cho gà tạo thành vòng tròn khép kín, vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường trong chăn nuôi. Sau một thời gian áp dụng, chị Hoan nhận thấy gà được nuôi bằng giun quế có sức đề kháng tốt hơn, ít mắc các bệnh thường gặp, như: khô chân, cúm gà, tiêu chảy… Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, gia đình chị dự định sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi giun quế để chủ động nguồn thức ăn, giảm được chi phí sản xuất.
Mô hình nuôi giun quế làm thức ăn cho gà và cá tại trang trại xã Quảng Hợp (Quảng Xương).
Bên cạnh việc nuôi giun quế để chủ động nguồn thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, giun quế còn được nuôi để lấy phân phục vụ trong trồng trọt. Chất thải giun quế thải ra được xếp vào loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên, giàu hàm lượng dinh dưỡng và hệ vi sinh vật phong phú, phù hợp với tất cả các loại cây trồng. Theo ông Ngô Đình Tuấn, chủ trang trại trồng cây ăn quả xã Xuân Giang (Thọ Xuân): “Phân giun quế có tác dụng kích thích sự nảy mầm và phát triển của cây trồng, điều hòa dinh dưỡng cải tạo đất, làm cho đất màu mỡ và tơi xốp. Phân giun quế cũng có thể làm phân bón lót cho rau, cây ăn quả, tạo ra sản phẩm có chất lượng và năng suất cao; kiểm soát sâu bọ hại cây trồng… Vì vậy, đối với diện tích trồng cây ăn quả của gia đình, tôi dùng phân giun quế để bón lót và bón thúc cho cây vào các thời điểm trước khi cây ra hoa và sau mỗi đợt thu hoạch hoặc bón vào đầu và cuối mùa mưa. So với diện tích không dùng phân giun quế, tôi nhận thấy cây trồng ít sâu bệnh hại, đất luôn tơi xốp, tăng cường hấp thu dinh dưỡng… để cây đạt năng suất, chất lượng cao”.
Được biết, mô hình nuôi giun quế không chỉ được nhân rộng để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ dân tại các huyện Triệu Sơn, Quảng Xương, Vĩnh Lộc… đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng nuôi, con giống để phát triển mô hình. Hiện nay, giun quế giống dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng/kg, giá giun quế thương phẩm dao động từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg, phân giun được xử lý thành dạng viên khô có giá bán từ 20.000 đồng/kg…
Từ thực tế sản xuất, có thể nói, nuôi giun quế là một trong những mô hình mang lại hiệu quả “kép”. Đây là một mô hình chăn nuôi khép kín vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường do chất thải từ động, thực vật thải ra, vừa là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi, phân giun quế được xem là nguồn phân hữu cơ có lợi cho cây trồng và đất. Đồng thời, giun quế cũng đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người chăn nuôi. Điều này đang phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ như hiện nay.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa