Nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đại Điền là xã thuộc tiểu vùng I, vùng dự án ngọt hóa của huyện Thạnh Phú (Bến Tre) với thế mạnh kinh tế là trồng trọt và chăn nuôi. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã khóa XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, xác định cây dừa, con bò, con gà là cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương; đồng thời, xác định xây dựng chuỗi giá trị cây dừa, con bò, con gà là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ. Trên cơ sở đó, UBND xã xây dựng kế hoạch xây dựng chuỗi giá trị cây dừa, con bò, gà để phát triển chuỗi giá trị của địa phương.

Kinh tế chính của xã là nông nghiệp với diện tích vườn dừa cho trái 680 ha, sản lượng trên 10 triệu trái/năm, đàn bò với 3.200 con, đàn gia cầm trên 85 ngàn con. Đây là 3 sản phẩm chủ lực của xã, trong đó mô hình nuôi gà thả trong vườn dừa được phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Đảng bộ xã xác định mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Từ thực tế đó, xã đã thành lập Tổ hợp tác Chăn nuôi gà thả vườn hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP.

nuôi gà thả vườn

Mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Đại Điền.

Hiện nay có 12 hộ dân tham gia tổ hợp tác, số lượng nuôi bình quân từ 6 – 10 ngàn con/hộ/năm, tổng đàn đạt trên 100 ngàn con, sản lượng đạt trên 200 tấn với diện tích nuôi khoảng 7,5ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với điều kiện mạng xã hội phát triển kết hợp với các kênh bán hàng thương mại điện tử thì sản phẩm bán ra thị trường qua các kênh này đạt gần 70%, sản lượng khoảng 138/200 tấn, lợi nhuận kinh tế bình quân mỗi năm từ 200 – 400 triệu đồng/hộ/năm, tùy theo số lượng giống và diện tích nuôi.

Nuôi gà trong vườn dừa được xem là mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện được mục tiêu đem lợi nhuận kinh tế trong chăn nuôi và đưa năng suất cây dừa (cây chủ lực địa phương) lên cao theo hướng hữu cơ, vừa cải thiện được sự bạc màu của đất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Chất lượng con gà được nuôi thả trong vườn dừa được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh, bởi được nuôi với quy trình chăn thả tự nhiên, ứng dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn chăn nuôi, vắc-xin, bộ kít mới trong chăn nuôi và phòng trừ các loại dịch bệnh.

Anh Võ Anh Vũ, ấp Thới, xã Đại Điền chia sẻ, lợi ích của việc tham gia Tổ hợp tác Chăn nuôi gà thả vườn trước tiên là mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình; thứ hai là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi của các thành viên trong tổ; thứ ba là giảm chi phí đầu vào của thức ăn, vắc-xin…; thứ tư các thành viên tổ chức dần công luân phiên nhau khi cắt mỏ, tiêm ngừa cho đàn gà, giảm được chi phí nhân công và cuối cùng là tận dụng thời gian nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình để tăng thu nhập.

Tuy nhiên, cũng có một vài khó khăn là do tình hình kinh tế hiện nay phần nào ảnh hưởng đến người nuôi vì giá cả không ổn định, vẫn còn tình trạng thương lái đặt cọc rồi bỏ cọc khi giá gà trên thị trường thấp hơn giá thương lượng với người nuôi trước đó, gây ảnh hưởng tới thời gian xuất chuồng.

“Cá nhân tôi nói riêng và các thành viên tổ hợp tác nói chung rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ cho tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, công ty thu mua có uy tín để bà con an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, tiến tới xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu trong thời gian sớm nhất”, anh Vũ cho biết thêm.

Bài, ảnh: T. Hòa

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *