Nuôi gà bằng dược liệu: Hướng đi mới nhiều triển vọng

Với nguồn dược liệu sẵn có của gia đình, cộng với việc học hỏi kiến thức thông qua nhiều kênh khác nhau, một số hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà bằng dược liệu. Qua đó bước đầu mang lại hiệu quả nhất định và xây dựng được mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn.

Anh Nông Trọng Sơn, ở xóm Minh Tiến, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) không chỉ được nhiều người biết đến với việc sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu mà còn nổi tiếng với mô hình nuôi gà bằng dược liệu. Khi chúng tôi đến thăm, đàn gà của gia đình anh Sơn mới xuất bán và anh vừa vào lứa mới được hơn 1 tháng, với số lượng trên 1.000 con gà ri Lạc Thủy, để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024.

nuôi gà dược liệu

Anh Nông Trọng Sơn, ở xóm Minh Tiến, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho gà uống nước được đun từ các loại cây dược liệu.

Trong câu chuyện với anh Sơn, chúng tôi được biết: Trước đây khi làm nghề lái xe, anh có nghe một người bạn làm cùng nói về mô hình nuôi gà bằng dược liệu. Với mong muốn nuôi gà theo hướng an toàn, ngay sau đó anh Sơn đã tìm hiểu về mô hình này trên mạng intenet và có đến tham quan, học hỏi kỹ thuật tại một số mô hình ở ngoài tỉnh, được các hộ dân hướng dẫn tận tình. Khi đã có kiến thức, đầu năm 2023, anh quyết định chuyển từ mô hình nuôi gà công nghiệp sang nuôi gà bằng dược liệu.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi gà bằng dược liệu, anh Sơn cho biết: Yếu tố đầu tiên để phát triển mô hình này là phải có diện tích đất rộng để vừa có chỗ xây dựng chuồng trại, vừa có chỗ thả gà. Còn trong quá trình chăn nuôi thì khi gà dưới 1 tháng tuổi tôi vẫn cho ăn cám công nghiệp và uống vắc-xin phòng dịch như nuôi gà bình thường. Khi gà được trên 1 tháng tuổi thì sẽ không dùng cám công nghiệp và các loại thuốc thú y nữa, thay vào đó là dùng cám ngô, ngô nghiền nhỏ, ngô hạt được phối trộn theo một tỷ lệ nhất định với bột các loại cây dược liệu nghiền nhỏ (như: Sâm bố chính, xuyến chi, kim ngân, tỏi…).

Cây dược liệu được gia đình tôi tự trồng, còn ngô thì mua của các hộ trong và ngoài xã. Với việc sử dụng cây dược liệu, từ khi nuôi đến khi xuất bán gà, tôi không dùng bất cứ loại kháng sinh nào nữa.

Tương tự anh Sơn, tận dụng nguồn dược liệu có sẵn từ sản xuất cao dược liệu của gia đình, anh Nguyễn Quốc Hoàng, ở xóm Bài Kịnh, xã Yên Trạch (Phú Lương) cũng đầu tư chăn nuôi gà bằng dược liệu từ 3 năm nay. Hiện nay, anh Hoàng đang nuôi 1.000 con gà Mẫu Sơn và Tiên Yên. Anh cho biết: Khi sử dụng thức ăn được chế biến từ ngô, cám gạo có trộn lẫn với các loại cây dược liệu, gà rất khỏe mạnh, có khả năng chống chịu dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt cao. Sau 5 tháng chăn thả, gà có cân nặng trung bình từ 3kg/con trở lên và có thể được xuất bán, thịt gà chắc, da vàng, thơm ngon…

Để có đầu ra cho sản phẩm gà, ngoài việc bán cho những người quen biết, anh Sơn và anh Hoàng còn cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh. Mặc dù thời gian chăn thả kéo dài hơn so với nuôi theo hướng công nghiệp từ 1,5 tháng trở lên nhưng giá bán gà luôn giữ ở mức 100.000-120.000 đồng/kg và không bị biến động theo giá thị trường. Với mức giá trên thì với 100 con gà được xuất bán, sau khi trừ chi phí còn có lãi khoảng 30 triệu đồng.

Mô hình nuôi gà bằng cây dược liệu của anh Sơn, anh Hoàng hiện nay chưa có nhiều trên địa bàn tỉnh và được coi là một trong những cách làm mới trong phát triển chăn nuôi. Mô hình này không chỉ mở ra hướng phát triển các sản phẩm an toàn trong chăn nuôi mà còn phù hợp với điều kiện của nhiều hộ dân, nhất là ở vùng miền núi, nơi có nguồn dược liệu và thức ăn chăn nuôi dồi dào.

Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, cho biết: Thời gian qua, việc chăn nuôi gà của người dân trong xã gặp không ít khó khăn do giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao. Vì vậy, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con tích cực áp dụng mô hình chăn nuôi gà bằng cây dược liệu để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Vũ Công

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *