Sau khi nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Trần Văn Dân, thôn Phú Vật, xã Tiến Đức (Hưng Hà, Thái Bình) là một điển hình trong phát triển kinh tế từ mô hình nuôi nhím và lợn rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từng công tác trong lực lượng biên phòng, sau khi về hưu, ông Dân không nghỉ ngơi mà rời phố xá nhộn nhịp trở về quê hương xây dựng mô hình chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, lúc đầu ông chỉ chọn nuôi một ít gà và 3 con lợn rừng với mục đích phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhưng với sự đam mê, ham học hỏi, ông đã tìm tòi cách nhân giống, sau một thời gian ông đã có 60 con lợn rừng.
Mô hình nuôi nhím của cựu chiến binh Trần Văn Dân, xã Tiến Đức (Hưng Hà) cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Dân chia sẻ: Thời điểm tôi nuôi lợn rừng ở đây còn ít người nuôi nên giá cả thị trường ổn định nhưng càng về sau thì giá lợn rừng tăng, giảm thất thường, tôi xuất bán hết chỉ giữ lại khoảng 5 – 6 con để nuôi. Sau một lần tình cờ biết đến mô hình nuôi nhím, tôi đã mạnh dạn mua vài đôi về nuôi thử. Khi xuất lứa bán đầu tiên, tôi thấy được giá, đồng vốn bỏ ra thấp, nhím lại dễ nuôi nên tôi tiếp tục mở rộng mô hình.
Để thuận lợi cho việc nuôi nhím, ông Dân xây dựng hàng chục ô chuồng với tổng diện tích trên 200 m2, mỗi ô rộng từ 5 – 10 m2 được xây bằng gạch cao hơn 1m để tránh nhím bò ra, dưới sàn được đổ bê tông cho thuận tiện vệ sinh. Nhờ chịu khó học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn ông đã nắm vững các bước nuôi nhím. Từ số nhím ban đầu, đến nay ông đã nhân giống được hơn 200 con nhím to nhỏ, trong đó có 100 con nhím sinh sản. Đặc biệt, ông còn có những cặp nhím lông trắng rất quý hiếm.
Ông Dân cho biết thêm: Khi mới nuôi nhím tôi gặp khá nhiều khó khăn vì chưa có nhiều kiến thức về chăm sóc nhím, chưa hiểu về tập quán sinh hoạt của chúng nên tôi chỉ nuôi theo những hiểu biết riêng của mình. Tôi tích cực tìm hiểu qua sách báo, internet áp dụng vào trong quá trình nuôi. Vốn là động vật hoang dã nên nhím có sức đề kháng tốt, ít bệnh dịch, cách nuôi, cách chăm cũng khá đơn giản. Đặc biệt, đây là loại vật nuôi siêu lợi nhuận mà lại rất dễ bán trên thị trường.
Cựu chiến binh Trần Văn Dân, xã Tiến Đức (Hưng Hà) còn đầu tư nuôi trên 100 con cá coi để phát triển mô hình.
Trung bình mỗi năm ông Dân xuất bán hơn 200 con nhím giống và hơn 20 con nhím thịt thương phẩm. Đối với loại nhím giống giá bán khoảng 3 triệu đồng/đôi, nhím thịt thương phẩm có giá từ 280.000 – 300.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Ông Đỗ Xuân Dự, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tiến Đức cho biết: Tinh thần lao động sáng tạo, bản chất cần cù, lòng say mê và ý chí vượt khó vươn lên làm giàu, ông Dân là cựu chiến binh tiên phong trong xây dựng mô hình nuôi con đặc sản tại địa phương. Mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân nói chung và hội viên cựu chiến binh nói riêng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình. Ngoài nuôi nhím, mới đây ông Dân còn mạnh dạn đầu tư nuôi cá coi nhằm tăng giá trị sản xuất và hiệu quả của mô hình.
Thành quả ngày hôm nay của ông Dân là minh chứng cho hướng đi đúng đắn cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân và gia đình, sự động viên của các cấp hội cựu chiến binh. Bản thân ông luôn mong muốn được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình với mọi người, sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ về giống, vốn và bao tiêu sản phẩm để những người có mong muốn phát triển kinh tế từ nuôi nhím đều có thể tham gia và cùng nhau làm giàu.
Thanh Thủy
Nguồn: Báo Thái Bình