Hai năm qua, anh Trần Văn Hà (xã Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam) đầu tư con giống, chuồng trại, nuôi chồn hương sinh sản. Nhờ ứng dụng mô hình đệm lót sinh thái, chuồng nuôi của anh Hà không gây ô nhiễm môi trường.
Cách đây 2 năm, tìm hiểu trên sách báo, mạng internet, thấy chồn hương là động vật nuôi có giá trị kinh tế, anh Trần Văn Hà mua 1 cặp chồn hương giống với giá 7 triệu đồng về nhân nuôi. Là thợ sửa xe máy, anh Hà chưa có kinh nghiệm nuôi nên cứ rảnh là anh đi học kinh nghiệm ở các trại nuôi, tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi trên sách báo, trên mạng.
Nhờ chăm sóc tốt, sau khoảng 2 tháng chồn cái đẻ được 6 chồn con. Bên cạnh đó, anh mua thêm chồn đực giống khác dòng về thả nuôi tự nhiên, nâng tổng đàn lên vài chục con, trong đó cá thể bố mẹ lên tới cả chục con lẫn cá thể chồn trưởng thành.
Đàn chồn con giống này đã có chủ đặt mua và anh Hà sẽ bàn giao giống khi bầy chồn đạt 3 tháng tuổi. Riêng chồn bố mẹ và cá thể trưởng thành thì ngày cho ăn 3 bữa gồm cháo cá, cháo nội tạng động vật, ăn chuối và trái cây.
“Tôi chỉ đủ sức duy trì đàn giống tầm mười mấy con. Lứa chồn con nào đẻ ra tôi cũng nuôi lên rồi bán giống chứ chưa kịp nhân đàn thêm. Tôi còn nuôi 1 con chồn đực trưởng thành gần 2 tuổi có trọng lượng tầm 5kg” – anh Hà nói.
Được biết, mỗi con chồn cái sinh sản mỗi lứa đẻ từ 4 – 6 con. Sau khi nuôi được 3 tháng, anh Hà xuất bán giống với giá 7 triệu đồng/cặp, tầm 3 – 3,5 kg/con.
Anh Trần Văn Hà cũng là người nuôi chồn hương sinh sản ứng dụng nền đệm lót sinh thái. Khu vực chuồng trại của anh Hà hiện có 2 lô, mỗi ô chuồng kích thước từ 5 – 10 m2 và có cửa thông với nhau, dưới nền xi măng có lớp đệm lót sinh thái giúp phân hủy chất thải, giảm thiểu mùi hôi.
Chồn hương là đối tượng động vật cần được bảo tồn, được phép nuôi gần đây và là động vật có giá trị kinh tế cao. Nếu được chăm sóc tốt, mỗi con chồn cái một năm có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 4 – 6 con. Chồn hương có chất lượng thịt thơm ngon; phần da được sử dụng trong may mặc…
|
Theo hướng dẫn kỹ thuật, cứ mỗi mét vuông chuồng trại, anh Hà sử dụng 1 tạ trấu và mùn cưa (50/50) để làm đệm lót, sử dụng chế phẩm sinh học là 1 lạng men vi sinh, 1,5 kg bột bắp, 10 lít nước, ủ đều, lên men.
Thời gian qua, do không đủ giống cung ứng và chuồng trại chưa đảm bảo nên anh Hà chưa có điều kiện nhân đàn thêm. Anh đang tính mở rộng khuôn viên chuồng trại chừng 50 m2 để nhân thêm 1 đàn nữa, tiếp tục nuôi chồn sinh sản cấp giống.
“Từ khi có hướng dẫn của Phòng Tài nguyên & môi trường huyện, sự hỗ trợ của cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức, cơ sở nuôi của tôi đã không còn mùi hôi do chồn hương gây ra. Trước đây không có đệm lót, mỗi ngày tôi phải dội rửa chuồng, rất nhọc công.
Từ khi có đệm lót sinh thái, tôi không phải làm công việc này nữa mà cứ mỗi tuần đảo liên tục lớp đệm lót để khô ráo. Nếu mở rộng diện tích chuồng nuôi, tôi vẫn sử dụng đệm lót sinh thái phục vụ quá trình nuôi. Mùa lạnh này, nhờ có đệm lót, chuồng trại cũng ấm hơn do nhiệt độ lớp đệm được nâng lên đáng kể” – anh Hà chia sẻ.
Hoàng Liên