Ông Phạm Văn Mần (Bảy Mần), sinh năm 1960, ở ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre thu nhập gần 400 triệu đồng/năm từ công việc chăn nuôi bò sinh sản, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.
Những năm 90, gia đình tôi sống trên chiếc ghe 7 lá cũ, bôn ba sang Đồng Tháp làm thuê hơn 10 năm. Mưa gió, khó khăn cùng sông nước, gia đình phải lên bờ trú tránh. Làm đủ nghề từ cắt lúa, làm cỏ, đào đất thuê, tôi tích lũy sắm máy tuốt lúa gắn bó cùng nhà nông vài năm. Đến năm 2009, tôi trở về quê nhà, trồng trọt và chăn nuôi bò”, ông Bảy Mần kể lại.
Bao năm vất vả, gia đình dành dụm được số vốn, ông Bảy Mần chuộc lại 4 công đất, mua thêm 6 công để trồng táo. Vài năm sau, ông chuyển sang trồng dừa xen cỏ nuôi bò cho đến nay. Ông mua con bò giống khởi nghiệp giá 13 triệu đồng. Số lượng bò tăng lên qua từng năm. Ban đầu, bò sinh sản ít, ông mua thêm bò đực vỗ béo để tăng thu nhập, tạo vốn. Khi chọn được lượng giống thích hợp, ông quyết định nuôi bò theo quy trình: sinh sản – nuôi thịt – xuất chuồng.
Vợ chồng ông Phạm Văn Mần chăm sóc đàn bò sinh sản.
Hiện tại, ông Bảy Mần nuôi 8 bò cái sinh sản, 4 bò đực nuôi thịt và nhiều bê con. Có giai đoạn, ông nuôi hơn 15 bò cái, 7 bò đực nuôi thịt. Ông chọn giống BBB (3B), Angus, Pháp kem do khoảng 8 – 9 tháng bò có thể sinh sản lứa đầu và thời gian sinh sản kéo dài. Sau sinh sản, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (đạm, xơ) tầm 2 – 3 tháng, bò nái có thể phối giống lứa kế tiếp.
Ông Bảy Mần thường mua chuối xiêm hoặc nấu tấm, khoai lang cho bò cái ăn giai đoạn chưa cai sữa bê con. Ngoài cỏ, thức ăn dạng tinh, ông bổ sung thêm chuối xiêm, nấu tấm hay khoai lang cho bê con ăn, nhằm tránh xù lông khi dứt sữa mẹ. Từ 16 – 18 tháng sau sinh, bò thịt có thể xuất chuồng, giá bán từ 190 – 200 ngàn đồng/kg, trung bình thu nhập 45 – 50 triệu đồng/con. Riêng bò lỡ (dứt sữa xong, người dân mua về nuôi vỗ béo) giá tầm 20 – 30 triệu đồng/con, tùy theo sắc vóc, giống đực hay cái.
Bò ăn 3 cử/ngày. Sáng, chiều ăn lượng cỏ vừa đủ, phù hợp thể trạng; buổi trưa cho uống nước (đực nuôi thịt – pha trộn thức ăn, cái nuôi giống – duy nhất cám). Lượng thức ăn tăng dần theo trọng lượng bò. Khoảng 1 – 2 tháng gần xuất chuồng, cho bò ăn theo tỷ lệ: mỗi ngày, 1kg tấm – gạo lức cộng 2kg thức ăn; giúp bò thịt tăng cơ. Bò được ông Bảy Mần chọn làm giống cần đạt yêu cầu: mát sữa (dáng khỏe – hình đẹp), xương chậu rộng (sinh sản dễ dàng).
“Cần quan sát nhận biết dấu hiệu bò cái lên giống để gieo tinh. Giảm lượng thức ăn, nước uống, không tắm bò sau khi phối giống trong vòng 3 ngày. Lượng nước làm tẩy chất tinh trùng, dẫn đến giảm khả năng thụ thai. Khi bò mang thai, giảm ăn cỏ voi (đạm cao, nuôi thai ảnh hưởng quá trình sinh sản), tăng lượng cỏ rài”, ông Bảy Mần chia sẻ.
Để phát triển quy mô chăn nuôi, ngoài 1ha đất nhà, ông Bảy Mần mướn thêm 7 công trồng nhiều loại cỏ xen dừa như: cỏ voi, mồm lông, mật, móc… nhằm làm phong phú, đa dạng thức ăn, kích thích sự tăng trưởng cho bò. Riêng thu hoạch dừa, mỗi lứa ông thu nhập tầm 5 – 6 triệu đồng, tạo nguồn vốn đầu tư chăn nuôi. Ông thường xuyên dùng vôi bột rải chuồng (5 – 10 ngày/lần), xịt thuốc khử trùng theo hướng dẫn ngành chuyên môn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A Lữ Hoàng Văn cho biết: Ông Phạm Văn Mần là người nông dân cần cù lao động, từ khó vươn lên. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản giúp phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển. Cồn Thành Long thay da đổi thịt từng ngày, đất ngày càng bồi tụ phù sa giúp người dân trồng cỏ nuôi bò thuận lợi, hiệu quả.
Bài, ảnh: Lê Đệ
Nguồn: Báo Đồng Khởi