“Nuôi chim bồ câu chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng đem lại thu nhập ổn định”, đó là chia sẻ của anh Phạm Thanh Thế, thôn Đắc Thắng, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) về mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình.
Vốn có kiến thức về chăn nuôi khi theo học tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình nên sau khi lập gia đình, anh Phạm Thanh Thế nhanh chóng bắt tay vào lập nghiệp bằng mô hình nuôi lợn và gà tại địa phương. Được một thời gian, nhận thấy nuôi lợn vất vả nhưng không hiệu quả vì thường xuyên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên anh “ấp ủ” chuyển hướng qua nuôi bồ câu.
Đầu năm 2017, sau khi tìm hiểu về cách thức nuôi cũng như thị trường tiêu thụ chim bồ câu trên địa bàn, anh Thế mạnh dạn “khởi nghiệp”. Ban đầu, anh đặt mua 50 con chim bồ câu giống về nuôi thử nghiệm trong vườn nhà. Vừa nuôi, anh vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và thường xuyên đọc sách, nghiên cứu trên internet để tiếp cận kiến thức mới. Qua quá trình nuôi, thấy bồ câu dễ nuôi, nhanh lớn, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường cao lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, anh quyết định đầu tư xây chuồng, tập trung nhân đàn nuôi bồ câu thương phẩm. Để tiết kiệm diện tích, chuồng nuôi bồ câu được anh Thế thiết kế theo từng dãy, mỗi dãy gồm nhiều chuồng nuôi. Bên trong mỗi chuồng, anh Thế sử dụng rổ nhựa làm ổ, được cố định để chim có thể sinh sản và thuận tiện trong việc ấp trứng.
Mỗi năm, anh Phạm Thanh Thế thu về hơn 200 triệu đồng từ việc bán bồ câu thương phẩm.
Anh Thế cho biết, chim bồ câu có đặc tính hiền lành, quá trình chăm sóc rất đơn giản và không mất nhiều thời gian. Mỗi ngày chỉ cho chim ăn một lần, nguồn nước làm tự động, chim tự sà xuống uống. Và điều đặc biệt là chim bồ câu tự đẻ trứng, tự ấp và chăm sóc con, người nuôi không phải làm bất cứ điều gì trong quá trình nhân giống. So với bồ câu lai thì bồ câu ta có trọng lượng nhẹ hơn nhưng lại sinh sản tốt hơn. Chim bồ câu mẹ nuôi sau 3 tháng là bắt đầu đẻ trứng. Bình quân mỗi năm, 1 cặp bồ câu bố mẹ sẽ cho ra từ 10 – 12 lứa bồ câu con (2 con/lứa).
Bằng sự kiên trì, ham học hỏi của mình, từ 50 con chim giống ban đầu, đến nay, trang trại nuôi chim bồ câu của anh Thế đã nhân lên hơn 2.600 con. Với giá bán ổn định từ 80.000 đồng/cặp, mỗi năm gia đình anh Thế thu về hơn 200 triệu đồng từ việc bán bồ câu thương phẩm.
Theo anh Thế, nuôi bồ câu cũng như nuôi các loại gia cầm khác, điều quan trọng nhất là con giống, vệ sinh chuồng trại, cách phòng dịch và thức ăn. Chim bồ câu dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả kinh tế cao người nuôi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường và theo dõi sự phát triển của đàn chim từ lúc đẻ, ấp trứng cho đến lúc trưởng thành.
Bên cạnh đó, chuồng nuôi phải luôn thông thoáng, sạch sẽ, có ổ cho chim mái đẻ trứng và phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Thức ăn của chim chủ yếu là lúa, gạo. Trong quá trình nuôi chim, tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng mà có chế độ ăn khác nhau, nếu chim trong thời kỳ sinh sản cần cho chúng ăn thêm thức ăn công nghiệp, nhằm bổ sung khoáng chất và vitamin.
“Chim bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất nên nhu cầu tiêu thụ của người dân ngày càng cao. Với quy mô chuồng nuôi của gia đình tôi hiện nay chỉ đáp ứng một số lượng nhất định, nhiều lúc chưa đáp ứng đủ chim bồ câu thương phẩm cho thương lái. Tôi dự định năm tới sẽ mở rộng chuồng trại để nhân đàn, hướng đến sản xuất với quy mô lớn hơn”, anh Thế cho hay.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Ninh Trịnh Ngọc Diễn nhận định: “Mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm của anh Phạm Thanh Thế là mô hình có hiệu quả tại địa phương. Để hỗ trợ anh Thế mở rộng quy mô chuồng trại, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho anh Thế vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Hội Nông dân xã cũng sẽ tích cực hỗ trợ nhân rộng mô hình trên địa bàn, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân”.
L.Chi
Nguồn: Báo Quảng Bình