Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên bày tỏ lo lắng về việc cử tri trên địa bàn các huyện Sơn Hòa và Sông Hinh nhiều lần phản ánh các trang trại chăn nuôi phát sinh mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.
Tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của HĐND tỉnh Phú Yên, nhiều ý kiến về vấn đề đảm bảo môi trường tại các trang trại chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh làm “nóng” nghị trường.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Thị Hà Phước, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Phú Yên bày tỏ lo lắng về việc cử tri trên địa bàn các huyện Sơn Hòa và Sông Hinh nhiều lần phản ánh các trang trại chăn nuôi phát sinh mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng các trang trại chăn nuôi ở vùng miền núi có nguy cơ mất đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn về quỹ đất.
Giải trình về nội dung này, ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Phú Yên hiện có 12 trang trại chăn nuôi quy mô tập trung đang hoạt động. Trong đó, có hai trang trại chăn nuôi là Phúc Huy Gia Lai và chăn nuôi bò sữa tại huyện Sơn Hòa có phát sinh vấn đề về ô nhiễm môi trường được cử tri phản ánh. Các cơ quan chuyên môn đang hướng dẫn chủ đầu tư tháo gỡ vấn đề vướng mắc này bằng cách di dời khu vực phát tán mùi đảm bảo khoảng cách theo quy định pháp luật. Tuy nhiên vấn đề di dời hệ thống này của dự án đến vị trí mới rất khó khăn và tốn kém chi phí.
Đối với trang trại Phúc Huy Gia Lai, ông Nguyễn Thái Hòa cho biết, khoảng cách từ trang trại đến khu dân cư là hơn 1km, đảm bảo quy định pháp luật. Nhưng trên thực tế, trang trại này nằm trên đỉnh đồi nên khoảng cách về lý thuyết là không đảm bảo, có phát sinh ra mùi hôi, nhất là vào ban đêm. Hiện nay đã có hướng dẫn về quy trình xử lý mùi trong chăn nuôi nên Sở nghiên cứu để áp dụng thực hiện tại trang trại này.
Đại biểu Huỳnh Lữ Tân, Bí thư Thành ủy thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cho rằng, đối với việc phát triển chăn nuôi cần có đánh giá lại tổng thể về hiệu quả của các dự án để có chiến lược phù hợp. Trước đây, tỉnh Phú Yên thu hút dự án chăn nuôi bò sữa ở huyện Sơn Hòa với mục tiêu là gắn với nhà máy chế biến sữa để nâng cao giá trị chăn nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nhất là vùng miền núi. Thực tế hiện nay, nhà đầu tư chỉ đầu tư chăn nuôi, còn sữa chở đi nơi khác chế biến. Điều này cho thấy mục tiêu đề ra của tỉnh là chưa đạt được như mong muốn, để lại một số hệ lụy về môi trường.
Ông Huỳnh Lữ Tân cho rằng, Phú Yên đang là nơi “màu mỡ” để các nhà đầu tư chăn nuôi heo, nuôi bò vì các địa phương khác dành quỹ đất cho phát triển công nghiệp và đòi hỏi rất cao về môi trường. Các trang trại chăn nuôi giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là rất ít; trước mắt các trang trại này chỉ để lại phân và mùi hôi của gia súc. Ngành chăn nuôi gây ra sự phát thải rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường cần phải thận trọng.
Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên khẳng định, vấn đề môi trường được nêu lên tại phiên thảo luận là trên cơ sở tâm tư nguyện vọng của cử tri. Điều này thể hiện trách nhiệm của đại biểu và sự lo lắng về ô nhiễm môi trường là đúng và trúng. Phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản là một trong những chiến lược để đảm bảo an ninh lương thực. Để xử lý vấn đề môi trường một cách bền vững và căn cơ, cần có quản lý nghiêm ngặt, sự tính toán kỹ lưỡng và trách nhiệm chung của tất cả các đơn vị lên quan.
Xuân Triệu
Nguồn: TTXVN