Nỗi lo “làn sóng” FDI

(Người Chăn Nuôi) – Sản xuất chăn nuôi trong nước đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang các doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như: Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát…) và các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest…) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi khép kín. Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam). Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất thịt heo, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19% cơ cấu nguồn cung thịt heo trong năm 2022, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.

FDI chăn nuôi

Doanh nghiệp FDI hiện chiếm gần một nửa cơ cấu nguồn cung thịt heo trong nước. Ảnh: ST.

Trong lĩnh vực gia cầm, tình trạng cũng tương tự, bởi các doanh nghiệp nội, hộ chăn nuôi bị yếu thế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp so với doanh nghiệp FDI. Đây là xu thế tất yếu trong phát triển chăn nuôi hiện đại, nhưng cũng là bài toán khó đối với sinh kế của nông dân, bởi một mặt Nhà nước khuyến khích đầu tư sản xuất chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi khép kín để nâng cao khả năng cạnh tranh. Mặt khác, vẫn phải duy trì sinh kế cho hàng triệu nông dân gắn với nghề chăn nuôi truyền thống.

Với lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, mặc dù số lượng các doanh nghiệp FDI tham gia ít hơn nhưng lại chiếm tỷ lệ áp đảo về sản lượng. Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, trong đó doanh nghiệp FDI 90 cơ sở, doanh nghiệp trong nước 179 cơ sở, tuy nhiên, trong tổng 43,3 triệu tấn sản phẩm thì doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 51%, doanh nghiệp nội nắm 49%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhờ làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI nên chăn nuôi quy mô trang trại lớn, công nghiệp ngày càng tăng, đưa chăn nuôi Việt Nam tiếp cận với các nền chăn nuôi tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu, tăng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp FDI cũng đang tạo ra những áp lực lớn, đặc biệt là với thị trường thức ăn chăn nuôi. Do đó, Nhà nước cần có chính sách kiểm soát và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, nhất là với thức ăn chăn nuôi. Trước mắt, phải có những công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn về giá thành sản xuất, để đảm bảo lợi ích được phân phối cho đúng đối tượng mà các chính sách hướng đến.

Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *