(Người Chăn Nuôi) – Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, nhiều tỉnh, thành phố đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan.
Tại Hải Phòng, sau hai năm dịch tả heo châu Phi được khống chế, đến ngày 30/5 dịch đã tái phát trên đàn heo tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Số heo tiêu hủy bắt buộc là 11 con với trọng lượng 446 kg. Kết quả giám sát lưu hành virus gây bệnh năm 2023 tại một số chợ kinh doanh thịt heo và sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn thành phố đã phát hiện 3,96% mẫu dương tính với virus gây bệnh; đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh giáp ranh Hải Phòng đang có ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên địa bàn thành phố.
Do vậy, mới đây, UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo, yêu cầu các quận, huyện, Sở, ban, ngành tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch, tổ chức giám sát dịch đến tận các hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ heo, chợ buôn bán thực phẩm có nguồn gốc từ heo trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán heo, sản phẩm từ heo; căn cứ diễn biến dịch bệnh, xem xét thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các bến phà, bến đò, đầu mối giao thông tiếp giáp với các địa phương đang có dịch; bố trí kinh phí, nguồn lực, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch để chủ động ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Tích cực vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Ảnh: ST
Tại tỉnh Bắc Kạn, 5 tháng đầu năm, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại hơn 1.000 hộ thuộc 314 thôn, 75 xã trên địa bàn tất cả các huyện, thành phố, đã có trên 4.300 con heo bị chết và buộc phải tiêu hủy, ước tính thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Nhận định thời gian tới, dịch bệnh có thể có chiều hướng gia tăng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn đang tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi và tăng cường tập huấn cho lực lượng thú y cơ sở.
Trong tháng 5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát sinh 60 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại 27 xã thuộc 8 huyện. Tổng số heo buộc tiêu hủy là 800 con, tổng trọng lượng gần 41 tấn. Đáng lo ngại, các ổ dịch tái phát trong đợt này đã lây lan giữa các hộ trong cùng một thôn, lây giữa các xã trong cùng huyện. Do đó, số ổ bệnh liên tục tăng chỉ trong thời gian ngắn. Để ngăn chặn, khống chế các ổ bệnh dịch, Sở NN&PTNT Lạng Sơn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp hóa chất đến trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để thực hiện phun khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Đồng thời, có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các xã bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đàn heo của các hộ nuôi để kịp thời xử lý nếu phát hiện heo mắc bệnh.
Được biết, từ tháng 7 năm 2023, Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả heo châu Phi trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên số lượng tiêm vẫn chưa nhiều. Để phòng, chống dịch bệnh tả heo châu Phi hiệu quả, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, cần phải áp dụng nghiêm ngặt, tuân thủ triệt để quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, đảm bảo an toàn giết mổ, vận chuyển tiêu thụ thịt heo… Đặc biệt, vaccine là một trong các biện pháp phòng bệnh rất quan trọng, cần được sử dụng đúng và được kết hợp song hành với các biện pháp vừa nêu. Trong đó khi triển khai tiêm phòng vaccine, người chăn nuôi cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Minh Khuê
(Tổng hợp)