Ninh Thuận: Nông dân huyện Bác Ái chủ động bảo vệ đàn gia súc trong mùa nắng hạn

Hiện nay, tình hình nắng hạn ngày càng gay gắt làm nhiều đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp. Để ứng phó với nắng hạn, bảo vệ đàn gia súc, hộ chăn nuôi ở huyện miền núi Bác Ái đã chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn khô và bổ sung dưỡng chất cho đàn gia súc. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm duy trì ổn định đàn vật nuôi trong mùa nắng hạn.

Mặc dù đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô nhưng đàn bò 10 con và đàn cừu 27 con của gia đình anh Katơr Thiêng ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung vẫn phát triển và tăng trọng ổn định. Anh Thiêng cho biết: Trước đây gia đình tôi chăn nuôi chủ yếu thả ngoài tự nhiên là chính, vào mùa khô hay xảy ra hạn hán nên đàn gia súc thường xuyên thiếu thức ăn. Thấy vậy nên đầu năm 2018 tôi đã đầu tư 20 triệu đồng đào ao và trồng 2,5 sào cỏ voi để bổ sung thức ăn tươi cho đàn gia súc. Bên cạnh đó tôi còn phân loại gia súc để có cách chăm sóc phù hợp. Những con bị suy giảm thể trạng sẽ được chuyển sang nuôi nhốt và có chế độ dinh dưỡng riêng. Nhờ đó, hiện nay đàn gia súc phát triển bình thường, vừa rồi gia đình tôi bán 10 con cừu đực được hơn 15 triệu đồng.

trồng cỏ làm thức ăn gia súc

Nông dán Bác Ái trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc trong mùa hạn.

Chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của người dân huyện miền núi Bác Ái. Tuy nhiên vào mùa khô, tình trạng gia súc chết do thiếu thức ăn và nước uống thường xuyên diễn ra làm thiệt hại không nhỏ đến kinh tế của người dân, đặc biệt tại xã Phước Trung, vùng tâm hạn của huyện Bác Ái. Nhằm giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi, vài năm trở lại đây huyện thường xuyên phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để người dân áp dụng vào thực tế. Thông qua các lớp tập huấn và đội ngũ cán bộ thú y bám sát cơ sở hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân theo hướng “cầm tay chỉ việc” đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, nhiều nông hộ đã nắm vững kỹ thuật, nắm rõ các loại bệnh trên đàn gia súc theo từng mùa để chủ động điều trị. Gia đình chị Katơr Thị Như ở thôn Rã Trên, xã Phước Trung hiện có 8 con bò giống, trước đây chị chăn nuôi chủ yếu thả lên núi nên mùa khô đàn gia súc thường bị suy kiệt do thiếu thức ăn và thường phát sinh bệnh ký sinh trùng, sán lá gan. Hơn 2 năm trở lại đây, chị đã xây dựng lại chuồng trại đúng quy cách, vào mùa khô dự trữ thêm rơm khô, cám gạo, mật đường và trồng thêm cỏ voi để bổ sung thức ăn tươi cho đàn gia súc. Định kỳ 6 tháng một lần chị tiêm vắc xin lở mồm long móng, ký sinh trùng, sán lá gan cho đàn gia súc, nên vật nuôi tăng trọng ổn định và không bị tổn thất về kinh tế.

Ông Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết: Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã có hơn 22.000 con. Vì vậy, để tránh thiệt hại làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trong mùa khô hạn, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động hộ nuôi thực hiện các giải pháp để giảm tối đa khả năng gia súc suy dinh dưỡng, trong đó chú trọng dự trữ đủ thức ăn và nước uống cho gia súc để duy trì ổn định đàn. Nhờ đó hiện nay đàn gia súc ở địa phương vẫn phát triển ổn định.

Theo báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, hiện nay toàn huyện có tổng đàn gia súc có sừng trên 45.406 con; trong đó, trâu, bò 25.055 con; dê, cừu 19.351 con. Với sự chủ động của người dân trong dự trữ nguồn thức ăn và chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn gia súc không bị hao hụt, phát sinh dịch bệnh. Đây là tín hiệu vui giúp ngành chăn nuôi ở huyện Bác Ái ngày càng phát triển.

Kha Hân

Nguồn: Báo Ninh Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *