Ninh Thuận có địa hình đồi núi và đồi gò bán sơn địa chiếm gần 78% diện tích tự nhiên thích hợp cho hoạt động chăn thả gia súc. Cùng với đó, khí hậu khô, nóng quanh năm đã tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển các loại gia súc có thế mạnh và là sản phẩm đặc thù của tỉnh như dê, cừu.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, chăn nuôi có bước phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và giá trị, đóng góp hơn 17% giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp. Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi cũng đang gặp không ít khó khăn như đồng cỏ tự nhiên cho chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp; tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra hằng năm dẫn đến nguy cơ thiếu thức ăn thô xanh cho gia súc ngày càng trầm trọng. Để ứng phó trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, các hộ chăn nuôi đã linh hoạt phối hợp các nhóm thức ăn thô và tinh, sử dụng thức ăn tổng hợp để vỗ béo bò, dê, cừu. Tuy vậy, số hộ thực hiện mô hình vỗ béo và bổ sung thức ăn khoáng và vi lượng cho gia súc có sừng chiếm tỷ lệ thấp. Nguồn cỏ tự nhiên chủ yếu dựa vào diện tích đất lâm nghiệp ước khoảng 35.000 – 40.000 ha chỉ mới đáp ứng được 23 – 24% nhu cầu thức ăn; nguồn phụ phẩm trồng trọt (chủ yếu là rơm, rạ, thân, cành, lá của lúa, bắp, nho, táo) đáp ứng được 11 – 12% nhu cầu thức ăn cho đàn gia súc. Từ thực tế trên cho thấy, nhu cầu về đồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc có sừng là rất lớn. Mặc dù tỉnh quy hoạch đồng cỏ cho phát triển chăn nuôi nhưng việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn, đất canh tác, thiếu nước. Các cơ sở chăn nuôi đã triển khai một số mô hình trồng, chế biên ngô sinh khối thành thức ăn chăn nuôi ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), xã Phước Tiến và Phước Thắng (Bác Ái) nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ.
Để đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh xác định phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao là hết sức cần thiết, tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung thực hiện. Theo đó, định hướng đến năm 2030 từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi tập trung, gắn với thu hút đầu tư của doanh nghiệp và chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi chất lượng cao ở một số địa phương, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chuyên canh, an toàn dịch bệnh, tổ chức chăn nuôi theo hướng tuần hoàn và gắn với chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Chăn nuôi theo hướng tăng các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với quy hoạch đồng cỏ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hướng tới mục tiêu phát triển đàn bò đến năm 2025 đạt 150.000 con và đến năm 2030 đạt 200.000 con; phát triển đàn dê đến năm 2025 đạt 130.000 con và đến năm 2030 đạt 160.000 con; phát triển đàn cừu đến năm 2025 đạt 150.000 con và đến năm 2030 đạt 220.000 con, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh giải pháp đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi: Đối với chăn nuôi nông hộ tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có ở địa phương để làm thức ăn chăn nuôi, kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đối với chăn nuôi trang trại thực hiện các hợp đồng cung ứng thức ăn chăn nuôi, khuyến khích xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến thức ăn tại vùng nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất thức ăn, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ phát triển. Riêng ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh vận động nông dân chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ và cây thức ăn cho chăn nuôi bò, dê, cừu, phấn đấu đến năm 2030 diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đạt 3.553 ha. Hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng các giống cỏ mới năng suất chất lượng cao, hằng năm xây dựng kế hoạch trồng cây thức ăn, dự trữ chế biến thức ăn chăn nuôi bằng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương nhằm giảm giá thành trong chăn nuôi. Vận động để nông dân trồng cỏ thâm canh các giống cỏ phù hợp với khí hậu của tỉnh như VA06, cỏ sả lá lớn có năng suất 200 tấn chất xanh/1 ha đủ nuôi thâm canh từ 13-15 con bò thịt hoặc bán thâm canh từ 20-30 con; cỏ hỗn hợp và các loại cỏ năng suất cao 350 – 500 tấn/ha/năm, có thể nuôi 20 – 30 bò thịt. Bên cạnh đó, tận dụng đất trống để trồng cây keo dậu làm thức ăn cho dê, cừu.
Có thể nói, việc chú trọng mở rộng diện tích trồng cỏ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy ngành Chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá tri kinh tế cao, bền vững.
Anh Tuấn
Nguồn: Báo Ninh Thuận