Ninh Bình: Nhân giống và nuôi thương phẩm gà lai Đông Tảo theo hướng an toàn sinh học

Nhờ tham gia đề tài “Xây dựng mô hình nhân giống, nuôi thương phẩm gà lai Đông Tảo theo hướng an toàn sinh học”, trang trại gà của gia đình anh Bùi Khắc Giang ở xã Gia Sơn, huyện Nho Quan (Ninh Bình) không còn tình trạng gà bị chết vì dịch bệnh. Trại gà đang phát triển rất tốt, nhiều sản phẩm trứng gà giống, gà giống và gà thịt được xuất bán ra thị trường mang về nguồn thu khá ổn định.

"Trước năm 2021, trang trại gà của gia đình và các hộ trên địa bàn thường xảy ra dịch bệnh. Khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, có đợt dịch, gà mắc bệnh chết la liệt, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Gia đình nỗ lực đầu tư nhân lực, vật lực vào chăn nuôi nhằm thoát nghèo đã không thành, nay còn mắc thêm nợ nần. Nhiều lúc thấy nản, muốn bỏ nghề" – anh Giang giãi bày.

Trong lúc đầu óc rối như canh hẹ, anh Giang được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nho Quan mời tham gia đề tài  "Xây dựng mô hình nhân giống, nuôi thương phẩm gà lai Đông tảo theo hướng an toàn sinh học". Như nhặt được "chìa khòa vàng" vì đây là dịp cực kỳ quý: được đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà của trang trại gia đình.

Anh Bùi Khắc Giang, Giám đốc HTX Gà lai Đông Tảo kiểm tra trại gà.

Từ tháng 7/2021, các thành viên HTX Gà lai Đông Tảo tham gia mô hình nhân giống, nuôi thương phẩm gà lai Đông Tảo theo hướng an toàn sinh học. Các hộ được dự lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, các kỹ thuật viên được đào tạo phục vụ mô hình.

Theo quy trình, các hộ tiến hành nuôi ổn định đàn gà bố, mẹ. Giai đoạn bắt đầu cho gà sinh sản, ghép ô chuồng đảm bảo tỷ lệ, đảo gà trống giữa các ô chuồng. Theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn gà sinh sản, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng đàn gà sinh sản; thu trứng, bảo quản và các quy trình tiến hành ấp nở gà con bằng lò công nghiệp…

Các con giống đạt yêu cầu được chuyển sang mô hình nuôi gà lai Đông Tảo thương phẩm. Mật độ nuôi ở chuồng nuôi và mật độ ở vườn luôn đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của nuôi gà thả vườn. Trong đó, mật độ chuồng nuôi dao động từ 6,6-7,7 con/m2 chuồng, mật độ nuôi ở vườn nuôi dao động từ 1,1-1,4 con/m2 vườn.

Nhân giống và nuôi thương phẩm gà lai Đông tảo theo hướng an toàn sinh học

Chăm sóc đàn gà lai Đông Tảo thả vườn.

Đặc biệt chú trọng đến công tác vệ sinh, phòng bệnh cho gà. Riêng nuôi ở chuồng định kỳ phun thuốc sát trùng, vôi bột. Dụng cụ máng ăn, máng uống, quốc xẻng, xô chậu phải được rửa, sát trùng thường xuyên ít nhất 1 tuần 3 lần. Chuồng trại luôn khô thoáng sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh tác động mạnh. Không cho gà ăn thức ăn mốc, thiu hoặc thức ăn có nguồn gốc từ vùng đang có dịch bệnh. Chú ý việc đảo và bổ sung đệm lót sinh học 1 tuần/lần tránh gây mùi, hạn chế ổ bệnh phát sinh từ nguồn phân gà.

Tổng hợp kết quả thực hiện mô hình nhân giống gà lai Đông Tảo cho thấy, bình quân mỗi con gà mái cho năng suất đạt 101 quả/năm. Tỷ lệ trứng có phôi đạt trên 83% và tỷ lệ ấp nở đạt trên 90%. 

Còn đối với gà lai Đông Tảo thương phẩm, hiệu quả sử dụng thức ăn là 3,52 kg thức ăn/kg tăng khối lượng, đàn gà khỏe mạnh, tỷ lệ nuôi sống của đàn gà đạt trung bình 92,5%, khối lượng cơ thể trung bình đạt 2.9kg/con. Số lượng gà xuất bán của mô hình nuôi gà thương phẩm là 11.835 con, sản lượng đạt trên 34.212 kg thịt gà hơi xuất chuồng.

Đồng chí Đinh Thị Thắm, chủ nhiệm đề tài cho hay: Nho Quan là huyện có nhiều tiềm năng đất đai, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế vườn – đồi, chú trọng phát triển những con nuôi đặc sản lợi thế của vùng. Trong đó, nuôi gà lai Đông Tảo hiện nay đang là hướng đi mới đang được huyện phát triển theo hướng quy mô, tạo thương hiệu, chủ động sản xuất và cung cấp nguồn con giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh. 

Để tương xứng với tiềm năng vốn có của huyện, các xã Đồng Phong và  Gia Sơn là những địa phương có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, nhân lực dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm để phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ, hình thức sản xuất tiên tiến. Đề tài là giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, đưa chăn nuôi gia cầm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới.

Ông Bùi Nhật Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Sơn cho biết thêm: Đề tài là động lực cho sự phát triển của ngành chăn nuôi, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Qua đó, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, làm thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chuyển sang chăn nuôi với quy mô lớn, lựa chọn những con nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, được thị trường ưa chuộng. 

Gà Đông tảo có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trong số các giống gà ở nước ta, gà Đông tảo nổi tiếng với thân hình cao lớn, chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt là cặp chân to có vẩy. Gà Đông tảo đang được người dân chăn nuôi, phát triển, đem lại những tác động tích cực trong công tác giữ gìn, bảo tồn giống.

Bài, ảnh: Minh Đường

Nguồn: Báo Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *