Nho Quan (Ninh Bình): Tập trung triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) thời gian qua, huyện Nho Quan đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Thạch Bình là xã có tổng đàn lợn cao của huyện với trên 16.000 con, do địa bàn rộng, việc kiểm soát tăng đàn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn, những tháng cuối năm tình hình thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt là nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn Châu phi. Hiện toàn xã có 17/18 thôn có DTLCP, với 122 hộ có lợn tiêu hủy; tổng số lợn đã tiêu hủy là gần 600 con; tổng trọng lượng tiêu hủy 42.653 kg.

tiêu hủy lợn

Lực lượng chức năng chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy lợn bệnh ở xã Đức Long (Nho Quan).

Ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế dịch lây lan. UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống DTLCP, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, thành lập các tổ công tác kiểm tra, tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy trên địa bàn; thành lập Hội đồng kiểm tra xác minh mức độ thiệt hại do DTLCP,… Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác phòng, chống dịch; vai trò và quy định trong việc vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP tái phát trong cộng đồng. 

Ông Trần Văn Dưỡng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đến ngày 18/11/2021, DTLCP đã xảy ra tại 837 hộ, thuộc 153 thôn, trên địa bàn 24/27 xã, thị trấn; tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy là 4.593 con, trọng lượng 342.825 kg.

Đặc biệt, số lượng và trọng lượng lợn phải tiêu hủy trong những ngày gần đây tăng cao so với thời điểm trước. Hiện nay, dịch đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, tập trung ở các xã Gia Sơn, Xích Thổ, Văn Phong, Thạch Bình, Phú Sơn…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh tái phát, kéo dài do vi rút DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và trong các sản phẩm của lợn, hiện chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị; việc giao thương buôn bán vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ tăng cao vào dịp cuối năm, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học; thời tiết cuối năm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan…

Để tổ chức kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các ổ dịch bệnh DTLCP tái phát, không để lây lan, kéo dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung triển khai các biện pháp bao vây ổ dịch. Tổ chức kiểm đếm, đánh giá thiệt hại và tiêu hủy lợn chết theo đúng quy định. Thống kê đàn lợn trên địa bàn  các xã, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, tuyên truyền người chăn nuôi dọn vệ sinh, phun hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi, đồng thời áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. 

Đến nay, huyện đã phân bổ trên 2.000 lít hóa chất do tỉnh hỗ trợ cho 27 xã, thị trấn để tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng , phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Do ảnh hưởng của DTLCP, tổng đàn lợn toàn huyện đã giảm nhiều so với kế hoạch. 

Để bảo đảm cho việc tái đàn, sau khi khống chế được hoàn toàn dịch bệnh, huyện đã chỉ đạo các trang trại phải có biện pháp bảo vệ các đàn lợn nái; tăng cường áp dụng các biện pháp nuôi lợn an toàn sinh học. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, vận động người dân không nên "quay lưng" với thịt lợn, làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Bài, ảnh: Hoàng Hiệp

Nguồn: Báo Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *