(Người Chăn Nuôi) – Ngành chăn nuôi là ngành hàng tạo ra sản phẩm trực tiếp như thịt, trứng, sữa để cung cấp cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu. Đến nay, cả nước có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô nuôi trên 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn. Nhìn tổng thể ngành chăn nuôi hiện nay đã có các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược phát triển cho ngành giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ NN&PTNN. Ảnh: Thùy Khánh
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của nước ta phát triển ổn định do không xảy ra rét đậm rét hại, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt heo hơi vẫn ở mức thấp đã ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn và thu nhập của người chăn nuôi. Trong tình hình đó, Bộ NN& PTNT đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển (trừ đàn trâu giảm).
Một số dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò cũng được kiểm soát tốt. Lĩnh vực chăn nuôi cũng đã có nhiều khởi sắc khi nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu có có hiệu quả kinh tế được phát triển như: Mô hình cho đàn gà ăn, uống thức ăn được chế biến từ cây sâm (Tiên Yên – Bắc Giang) nên giá trị của vật nuôi này mang lại lợi nhuận rất cao; Mô hình nuôi heo bằng các dược liệu quý được áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt của hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa – Bắc Giang).
Bên cạnh đó, nhiều chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng được hình thành để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng như Doanh nghiệp – trại chăn nuôi, doanh nghiệp – HTX – nông hộ. Nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học như: Tập Đoàn Quế Lâm hợp tác liên kết triển khai một số mô hình khuyến nông chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ với hình thức là liên kết theo chuỗi giá trị tại Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái nguyên…; mô hình trang trại sinh thái khép kín ứng dụng công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk…
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ NN&PTNN. Ảnh Thùy Khánh
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ NN&PTNN tổ chức, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển: Về chiến lược thì Cục chăn nuôi cũng xác định tập trung giải quyết tốt khâu nhân giống, chọn lọc giống. Đặc biệt là công nghệ sinh học để phát triển giống mang tính bền vững hơn, nhất là giống bản địa. Xây dựng ngân hàng gen, nâng cấp 3 trung tâm giống ở cả 3 miền đáp ứng nhu cầu nghiên cứu chọn tạo tập trung ở heo, bò, gia cầm. Hỗ trợ cho việc thực hiện đưa các tiến bộ kỹ thuật theo cách tiếp cận giống gắn liền với kỹ thuật, thức ăn, quy trình sản xuất, xử lý môi trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đưa giống tới bà con theo quy trình trọn gói để bà con có thể xây dựng sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, OCOP. Thức ăn sẽ tập trung vào 3 giải pháp chính: Phải sử dụng hiệu quả lượng thức ăn sản xuất ra, tập trung sản xuất những thứ mà Việt Nam có lợi thế như khoáng, các loại enzym, vitamin, các chất tách chiết từ thực vật hỗ trợ an toàn sinh học. Chủ động sản xuất một số nguyên liệu từ các nguồn có sẵn như ngô, đậu tương, lúa gạo để giảm bớt nguyên liệu nhập khẩu.
Thùy Khánh