Trước diễn biến dịch Covid-19 kéo dài những tháng qua, sức tiêu thụ thịt heo trong, ngoài tỉnh Bình Thuận giảm sâu, không chỉ khiến giá heo hơi xuống thấp mà việc vận chuyển cũng trở nên khó khăn đã làm nhiều gia trại ở huyện Hàm Tân, thị xã La Gi “bí” đầu ra…
Anh Nguyễn Trọng Huỳnh ở xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân bức xúc cho hay, đàn heo thịt hơn 30 con đã tới kỳ xuất chuồng, đầu tháng 7 vừa qua anh đã gọi điện cho thương lái quen ở xã Tân Hải (thị xã La Gi) đồng ý mua giá 52.000 đồng/kg, nhưng họ không đưa xe lên chở. Vài lần anh điện nhắc, họ bảo La Gi (khi ấy) đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, xe chở hàng của tiểu thương rất khó lưu thông qua chốt. Vậy là anh Huỳnh cầm cự nuôi đàn heo thêm 2 tháng nữa, mỗi con đã nặng 110 – 120 kg, đến đầu tháng 9 vừa qua, thương lái ở Tân Hải mới lên chở heo, họ bảo thị xã vừa nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, giao thông mới thông thoáng được. Khổ nỗi anh Huỳnh tốn thêm khoản tiền cám thức ăn gia súc hơn 2 tháng ấy, trong khi giá cám gia súc tăng; giá heo hơi giảm mạnh so với trước. Cũng nhờ một phần gia trại anh Huỳnh có sẵn heo giống từ heo mẹ đẻ ra, giảm phần chi phí; lứa xuất chuồng vừa qua không lỗ nhiều lắm, còn ít vốn tái đầu tư cho lứa tới.
Chăn nuôi heo thịt ở gia trại.
Tương tự, ông Huỳnh Việt Hùng, thôn Cam Bình, xã Tân Phước, thị xã La Gi cho hay: “Khi thị xã La Gi chuyển qua thực hiện Chỉ thị 15, thương lái ở xã Tân Hải mới lên chở 20 con heo sau hơn 1 tháng đặt mua. Gia trại của tôi lâu nay chủ động con giống từ heo mẹ đẻ ra, mua sẵn thêm mì khô xay bột trộn lẫn với cám, cũng như tôi tự chủ trồng rau khoai làm thức ăn cho heo để giảm giá thành. Với giá heo hơi giảm mạnh như hiện nay, hiện còn 49.000 đồng/kg, coi như lấy công làm lời, có lứa thua lỗ”… Hiện tại, các huyện, thị phía nam trong tỉnh, không ít người nuôi heo đang lâm vào cảnh khó khăn, bởi heo đến trọng lượng 100 kg phải kêu bán, để thời gian kéo dài thịt heo mỡ, càng thêm khó bán, họ chấp nhận lỗ để thu lại một phần vốn đầu tư chăn nuôi.
Trong khuôn khổ liên quan, không chỉ thị xã La Gi mà nhiều tỉnh thành Đông Nam bộ (nơi tiêu thụ số lượng lớn heo thịt) đã nới lỏng giãn cách xã hội, việc giao thông chở hàng nông sản giữa các địa phương thông thoáng hơn. Cùng đó, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, việc tiêu thụ nông sản (trong đó có thịt heo) sẽ tăng trở lại. Hàng ngàn gia trại chăn nuôi heo các huyện, thị phía nam tỉnh hy vọng họ sẽ bán được các lứa heo tới kỳ cho bạn hàng, không phải nuôi “quá lứa” như vài tháng trước, có thêm số vốn để tái đầu tư nuôi heo bán trong dịp Tết Nguyên đán vào cuối năm.
Thụy Khanh
Nguồn: Báo Bình Thuận