Nhiều cơ hội từ chuỗi liên kết

Trong lúc các mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn vì thị trường ngưng trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi dê Thanh Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước vẫn khẳng định sự năng động trong xây dựng chuỗi liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm dê thịt. Không chỉ nâng cao tầm vóc đàn dê, tạo đầu ra bền vững cho người chăn nuôi mà xa hơn là xây dựng thương hiệu thịt dê Bình Phước đang là mục tiêu HTX hướng tới.

Năng động phát triển mô hình kinh tế

Ít đất, giá nông sản bấp bênh là lý do khiến lão nông Đặng Văn Tống ở tổ 8, ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long chọn dê là vật nuôi mang lại kinh tế chính của gia đình. Tuổi cao nhưng hằng ngày ông vẫn đều đặn đi hái lá keo và cắt cỏ về làm thức ăn cho đàn dê.

trồng tiêu liên kết

Trồng tiêu kết hợp với nuôi dê đang tạo ra chơ chế liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Ảnh minh họa: Tổ liên kết nuôi dê xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Dê liên tục tăng giá trong vài năm trở lại đây, có thời điểm dê chạm mốc 180 ngàn đồng/kg đã mang lại cho gia đình ông Tống nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Dê dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chính là cỏ và lá cây nên nuôi dê không tốn nhiều chi phí chăm sóc mà lợi nhuận cao. Vì vậy, nhiều nông dân ở đây đã chọn dê để phát triển kinh tế” – ông Tống tiết lộ lý do quyết mở rộng chuồng trại để tiếp tục tăng đàn.

5 năm trước, cây tiêu được xem là “vàng đen” đã giúp cuộc sống của không ít nông hộ ở Bình Long nói chung, hộ ông Nguyễn Ngọc Long ở ấp Thanh Hà, xã Thanh Phú nói riêng trở nên khấm khá. Nhiều người nuôi dê chỉ để tận dụng lá của nọc tiêu và làm thực phẩm cho gia đình. Nhưng vài năm gần đây, ông Long đã chọn dê là vật nuôi chính, giúp gia đình vượt qua khó khăn khi giá hồ tiêu chạm đáy.

Ông Long chia sẻ: “1.000 nọc tiêu của gia đình tôi đều trồng bằng cây keo lai để tận dụng nuôi 20 con dê các loại. Dù số lượng dê tăng lên gấp 5 lần nhưng tôi không hề lo lắng bởi có đầu ra ổn định. Dê dễ nuôi lại ít bệnh nên lợi nhuận cũng cao. Giá dê hơi bán tại chuồng từ 145 – 160 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, dê đực có trọng lượng dưới 15 kg được thương lái mua cao hơn 5 – 10 ngàn đồng/kg so với dê lớn nên nông dân ở đây rất phấn khởi. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng chuồng để tập trung phát triển vật nuôi này”.

HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV “Dê Cười” Bình Long. Đơn vị này cam kết hỗ trợ kỹ thuật và bao đầu ra, đảm bảo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cách thức vận hành do hai bên tự thỏa thuận theo giá thị trường. Đó là lý do sản phẩm dê của HTX luôn có đầu ra ổn định.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chăn nuôi dê Thanh Phú

Trên địa bàn xã Thanh Phú hiện có khoảng 60% hộ nuôi dê, bình quân mỗi hộ nuôi từ 15-20 con. Chất lượng dê được đánh giá cao bởi lượng thịt xẻ ra nhiều, ngọt thịt nên được các công ty thu mua ưa chuộng, giúp nông dân tăng thu nhập bù vào giá điều, tiêu xuống thấp.

Với mục đích tạo ra cơ chế liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả ở nông thôn, 13 hộ chăn nuôi dê ở đây đã liên kết thành HTX chăn nuôi dê Thanh Phú số lượng từ 30-50 con/hộ, tổng đàn gần 300 con. Giống dê HTX đang nuôi chủ yếu là các giống truyền thống và đang cải tạo đàn từ giống boer, bách thảo. Bên cạnh bán dê thịt, HTX cũng tập trung nhân giống để cung cấp cho thành viên tăng đàn.

 

Liên kết để chăn nuôi bền vững

Trước đây, nuôi và bán dê tự phát, nhiều nông dân bị thương lái ép nên giá thấp. Nhưng khi tham gia HTX, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi bài bản, thực hiện giải pháp xây dựng chuỗi liên kết và ký hợp đồng với công ty thu mua rõ ràng, minh bạch, hộ nuôi dê đang mở ra hướng đi mới về phát triển kinh tế.

htx nuôi dê thanh phúc

HTX chăn nuôi dê Thanh Phú đang xây dựng chuỗi liên kết bài bản giúp người chăn nuôi tìm đầu ra ổn định

Để nâng tầm vóc đàn dê, 10 hộ chăn nuôi dê tại thị xã Bình Long đang được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 40 con dê bách thảo và dê boer để lai giống. Trong đó, HTX chăn nuôi dê Thanh Phú được hỗ trợ 24 con. Đây là mô hình cải tạo đàn dê, nâng cao tầm vóc, sức sản xuất của dê địa phương và đang được thực hiện thí điểm tại huyện Lộc Ninh và thị xã Bình Long. Từ dự án, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã đã triển khai quy trình sản xuất, hướng dẫn xây dựng, sửa chữa lại chuồng trại, đánh dấu và định danh đàn dê để lai giống, cải tạo đàn. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Bình Long cho biết: Mặc dù tổng đàn dê của thị xã tăng khoảng 40% so với năm trước nhưng do chăn nuôi tự phát, nông dân tự trao đổi con giống lẫn nhau nên chất lượng chưa cao. Ngành nông nghiệp đang triển khai các giải pháp kỹ thuật cải tạo đàn dê và kiểm soát việc phối giống để tránh cận huyết. Việc phân loại, tạo lý lịch dê giống, xây dựng sổ theo dõi chăn nuôi của các hộ thành viên là cơ sở pháp lý ban đầu để cải tạo, nâng tầm vóc và chất lượng đàn dê.

Từ các giải pháp chăn nuôi theo hướng liên kết bền vững, dê đang trở thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế rõ rệt. Mặc dù chưa xây dựng được thương hiệu nhưng khi số lượng dê nuôi đủ lớn, địa phương sẽ phát triển vùng nguyên liệu cung cấp dê giống, thịt có uy tín, đảm bảo chất lượng. Đây là sự chuẩn bị cho việc xây dựng thương hiệu thịt dê Bình Phước trong tương lai.

>> Bình Phước hiện có khoảng 16.000 ha tiêu, trong đó hơn 2/3 diện tích được trồng bằng nọc sống, đang tạo điều kiện thuận lợi phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Giá dê ổn định đang giúp nông dân cải thiện thu nhập, đặc biệt là góp phần hiện thực mục tiêu xây dựng vùng trọng điểm chăn nuôi theo chuỗi mà lãnh đạo tỉnh đã đề ra.

Ngân Hà

Nguồn: Báo Bình Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *