Nhập khẩu thịt và phụ phẩm vào Việt Nam tăng kỷ lục

(Người Chăn Nuôi) – Trong 11 tháng năm 2024, Việt Nam chi gần 1,6 tỷ USD nhập khẩu thịt và phụ phẩm, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục hải quan, 11 tháng qua, Việt Nam đã chi tổng số tiền gần 38.000 tỷ đồng (ước tính khoảng 1,55 tỷ USD), để nhập khẩu thịt. Như vậy, trung bình mỗi tháng, nước ta chi khoảng 3.450 tỷ đồng để nhập khẩu thịt từ nước ngoài, phần lớn nguồn cung đến từ Ấn Độ, Mỹ, Nga và Đức.

Trước đó, trong quý III, lượng nhập khẩu thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò,… cũng tăng so với quý cùng kỳ năm trước. 

Nhập khẩu thịt và phụ phẩm

Thịt nhập khẩu bán tại siêu thị được người tiêu dùng lựa chọn dễ dàng khi có giá rẻ hơn thịt nội. Ảnh: Thùy Khánh

Được biết, thịt lợn và gà đông lạnh nhập khẩu đang ngày càng được ưa chuộng do mức giá rẻ hơn đáng kể so với hàng nội địa. Thống kê cho thấy, giá thịt lợn nhập khẩu dao động 52.000 – 62.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng một nửa giá thịt lợn trong nước, vốn ở mức 80.000 – 180.000 đồng/kg. Đáng chú ý, các sản phẩm hàng nhập khẩu được các quán ăn, nhà hàng và khu công nghiệp ưu tiên nhập để giảm chi phí.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do trong những năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. 

“Giá cả cạnh tranh hơn và nguồn cung dồi dào đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt nhập khẩu tăng mạnh. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi lan rộng từ đầu năm khiến nguồn cung thịt nội địa giảm, đẩy giá thịt trong nước tăng cao, càng làm thịt nhập khẩu trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn”, ông Công chia sẻ. 

Tuy nhiên, việc tăng cường nhập khẩu thịt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm. Theo Cục Thú y, chỉ trong 4 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay) khi đơn vị này kiểm tra 6.679 lô hàng thịt nhập khẩu, thì có đến trên 1% lô hàng bị phát hiện nhiễm vi khuẩn Salmonella (gây bệnh đường ruột). Điều này cho thấy, nếu chúng ta không có các biện pháp kiểm soát và giám sát chặt chẽ các sản phẩm thịt nhập khẩu thì sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhập khẩu thịt giá rẻ đã và đang mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, tuy nhiên điều này cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành chăn nuôi trong nước, cũng như yêu cầu khắt khe hơn trong quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các phụ phẩm có nguy cơ quá hạn sử dụng cũng là vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh nhập khẩu thịt tăng mạnh như hiện nay. 

Cách đây không lâu, Bộ NN&PTNT đã làm việc với 11 đoàn tham tán của các nước được phép xuất khẩu thịt vào nước ta. Phía Việt Nam trả lời đầy đủ, có cơ sở khoa học và thực tiễn về các quy định nhập khẩu nhóm mặt hàng này. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chúng ta phải làm chặt để bảo vệ người tiêu dùng cũng như ngành chăn nuôi trong nước. Tới đây, các cơ quan chức năng của Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ quy trình nhập khẩu thịt và phụ phẩm chăn nuôi ăn được, đồng thời đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu, ngăn chặn việc vận chuyển gà, lợn nhập lậu về Việt Nam.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *